(TT&VH cuối tuần) - Màu trắng của tuyết phủ kín nước Anh trong những ngày thời tiết khắc nghiệt vừa qua như một sự trợ giúp đặc biệt cho M.U. Họ tránh được liên tiếp cả sức ép trên sân cỏ của lịch thi đấu dày đặc lẫn sức ép tâm lý từ Arsenal phía sau. Trong bối cảnh sa sút nặng nề hiện nay, đây là quãng lặng không thể tốt hơn cho nhà ĐKVĐ để họ trấn tĩnh lại. Nhưng liệu hình ảnh màu đỏ nhạt nhòa có thể được cứu vãn?
M.U tạm hoãn được trận bán kết chắc chắn sẽ nảy lửa với kẻ láng giềng đang nổi Man. City ở Cúp Carling, có thêm thời gian nuốt trôi vị chát mang tên Leeds ở Cúp FA lẫn chuẩn bị tốt hơn cho vòng đấu cuối tuần này. Trong khi ấy, Arsenal không thể thực hiện trận đá bù với Bolton mà ở đó, 3 điểm trong tầm tay các “Các pháo thủ” sẽ đưa họ vượt qua M.U trên bảng xếp hạng Premier League. Sức nóng đang dồn vào thầy trò Sir Alex Ferguson bất chợt nguội bớt đôi chút nhờ cái lạnh bất thường của xứ sương mù.
Thế nhưng, đây cũng là “câu giờ” trì hoãn mà thôi. Còn giải pháp khắc phục ư? Câu trả lời được chờ từ sân St Andrew. Ở đó, là Birmingham tân binh nhưng đang bay bổng trên vị trí thứ 8 (chỉ kém suất Champions League 5 điểm!). Ở đó, là Birmingham bất bại trong 11 trận gần đây.
Mùa giải năm nay của M.U được khởi đầu bằng chính đối thủ này. Bàn thắng duy nhất của Wayne Rooney tại Old Trafford ngày 16/8 năm ngoái đón chào 3 điểm “mở hàng” suôn sẻ nhưng ngay từ lúc ấy, những dấu hỏi đã lờ mờ hiện ra về một “Quỷ đỏ” cùn nanh, gãy vuốt. Sau nửa chặng đường, đó đã là điều quá rõ ràng. Giờ lại là Birmingham, chắc chắn tự tin hơn nhiều so với câu chuyện ngày khai cuộc.
M.U đang trong cơn suy thoái?
Sẽ hơi quá nếu cho rằng 90 phút này sẽ mang tính quyết định cả mùa giải với M.U. Nhưng tầm quan trọng của nó thì khó mà phủ nhận. Trong bối cảnh hiện nay, thêm một thất bại nữa chẳng hạn, đó sẽ cú đấm khủng khiếp vào niềm tin màu đỏ. Mà tháng Giêng luôn là tháng cốt lõi trong “chiến lược marathon” hợp lý đã đưa M.U lên đỉnh Premier League 3 năm liên tiếp vừa qua. Năm nay, thời điểm này càng đầy ý nghĩa hơn khi Chelsea sẽ thiếu hụt lực lượng bởi CAN 2009. Và hãy thử nhìn qua lịch thi đấu của M.U trong tháng khởi đầu năm này: Sau Birmingham, họ đón Burnley ở Old Trafford (16/1) rồi đến 2 trận derby bán kết Cúp Carling với Man. City (19/1 lượt đi, 27/1 lượt về) xen kẽ bởi màn tiếp Hull ở Premier League (23 hoặc 24/1). Và đỉnh điểm sẽ là ngày cuối cùng của tháng (31/1), M.U lên đường đến Emirates!
Kịch bản nào chờ ở phía trước?
Hành trình trên đã khởi đầu ác mộng bằng việc bị loại sớm ở Cúp FA. Đó là nỗi nhục nhã khó tưởng tượng cho Old Trafford nhưng các fan “Quỷ đỏ” có thể tự an ủi rằng dù sao, họ cũng thừa thãi danh hiệu này (M.U đang giữ kỷ lục với 11 lần vô địch). Và chuyện “xong sớm, nghỉ sớm” biết đâu lại có ý nghĩa tích cực, giúp giảm tải lịch thi đấu dày đặc để M.U sẽ tập trung được hơn cho những sân chơi quan trọng Premier League và Champions League (đồng thời cả Cúp Carling nữa khi đã đi đến tận bán kết). Xét về lịch, rảnh rang khỏi Cúp FA không đem lại nhiều lợi thế cho M.U trong cuộc đua Premier League. Thực tế, giải quốc nội này “va” với lịch Champions League nhiều hơn.
Nhưng trong khi chờ Champions League trở lại, M.U cần giải quyết được thử thách áp chót ở Cúp Carling và đáng kể hơn là củng cố cho mình vị thế trong cuộc đua ở Premier League. Về lý thuyết, Birmingham, Burnley và Hull là những đối thủ “mềm”. Kịch bản hoàn hảo cho M.U sẽ là tích lũy 9 điểm tối đa này trước khi quyết chiến với Arsenal. Đặt tình huống Chelsea sơ sảy thêm một lần (điều hoàn toàn có thể xảy ra trong tháng họ bị CAN 2010 “hành hạ”) và M.U ca khúc khải hoàn từ Emirates, nhà ĐKVĐ sẽ kết thúc tháng Giêng bằng ngôi đầu ngạo nghễ.
Còn kịch bản tồi tệ thì sao? Old Trafford không muốn nghĩ đến, song không ít chuyên gia Premier League đã đặt ra. Sa sút hiện nay không còn là vài lần sảy chân nữa. Màu đỏ hiện nay là màu đỏ báo động chứ không phải là sự huy hoàng quen thuộc. Hiện ở nhì bảng và chỉ kém Chelsea 2 điểm nhưng cơ hội cho M.U lập kỷ lục 4 lần đăng quang liên tiếp đang đầy ắp những dấu hỏi mông lung. Công thức bám đuổi rồi vượt lên cán đích là rất quen thuộc với phong cách M.U. Song lần này, với khoảng cách còn trong tầm tay như thế nhưng cảm giác hiện tại về nhà ĐKVĐ là sự chống chếnh mơ hồ. Chẳng ai đủ can đảm hô vang “Hoàng đế đã băng hà”, triều đại M.U đang suy tàn. Nhưng để nói cứng về chuyện vô địch thì ngay cả chuyên gia tâm lý chiến Sir Alex cũng đang im lặng đến ngạc nhiên thời gian gần đây.
Chuyển giao thế hệ hay cuộc suy thoái?
Có thể vì Sir Alex đang nhiều chuyện tất bật phải lo. Cuộc khủng hoảng chấn thương tạm ngơi thì đến những xì xầm về rạn nứt trong phong thay đồ liên quan đến Nani và đặc biệt là trung vệ trụ cột Nemanja Vidic. Dù Vidic đã công khai bác bỏ dư luận trên, việc M.U bước vào kỳ chuyển nhượng mùa Đông cùng những tin đồn về Vidic hay Rooney sắp sang La Liga chứ không phải bằng viễn cảnh ngôi sao nào sắp đến đã thêm một lần nữa xoáy vào mối lo quen thuộc của Old Trafford.
Mối lo đó bắt đầu từ mùa Hè năm ngoái, khi Cristiano Ronaldo ra đi và 80 triệu bảng theo chiều ngược lại từ Real Madrid đến M.U nhưng những sự bổ sung chỉ là Antonio Valencia, Gabriel Obertan cùng “lão tướng miễn phí” Michael Owen. Sau nửa chặng đường, vấn đề đã lộ rõ. Không phải là chuyện thiếu Ronaldo hay không nữa là mà đội ngũ hiện tại không đủ để đưa M.U lên tầm cao mà họ đã quen đứng.
Khi nhận định về trận đấu sắp tới với Birmingham, Sir Alex cho rằng chất lượng Premier League được cải thiện rõ rệt trong mùa này qua sự tiến bộ của nhiều đội bóng như đối thủ của M.U sắp tới. Nhưng nhìn theo mặt khác, sự điên rồ hiện nay khi các đại gia dễ thua hơn bao giờ hết có đóng góp quan trọng từ tình trạng suy yếu đi của chính nhóm tinh anh này mà M.U là điển hình.
Birmingham đang thăng hoa cùng HLV Alex McLeish, một cựu cầu thủ Aberdeen dưới thời Sir Alex cách đây gần 30 năm. Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình, Sir Alex đã đào tạo không biết bao thế hệ cầu thủ như thế. Và dĩ nhiên, thầy luôn luôn bênh trò. Khi một phóng viên đặt câu hỏi rằng đội ngũ trẻ như Anderson, Darron Gibson, Danny Welbeck, anh em Da Silva…liệu đã đủ bản lĩnh tiếp quản lại vai trò khi M.U chia tay với thế hệ những lão tướng Paul Scholes, Ryan Giggs, Garry Neville, Sir Alex giận dữ gọi phóng viên đó là “kẻ ngu xuẩn”, “đáng bị đuổi việc”. Song rõ ràng, một khoảng trống mênh mang đang hiện diện và càng đậm nét hơn sau khi Ronaldo ra đi.
Cái Sir Alex cần nhất là những động thái mạnh mẽ trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng cho dù nội bộ ở Old Trafford luôn lặp đi lặp lại thông điệp rằng nếu Sir Alex muốn, séc luôn sẵn sàng, tình hình thực tế dường như không phải vậy. Các số liệu tài chính mới công bố cho thấy ở M.U, điều duy nhất đang tăng lên không phải là chất lượng mà là…các khoản nợ (đã lên đến khoảng 700 triệu bảng). Chính sách U-26 (không ký hợp đồng giá trị lớn với các ngôi sao từ 26 tuổi trở nên) cũng chẳng khác lời nhắn nhủ rõ ràng từ nhà Glazer rằng họ sẽ không chi lớn cho những tên tuổi đã thành danh như David Villa hay Franck Ribery.
Mặc dù vậy, trong quá khứ, đã không ít lần Sir Alex phải đối mặt với tình cảnh tương tự khi tiềm năng của đội ngũ học trò trẻ bị đặt dấu hỏi to đùng. Đỉnh điểm có thể kể là tháng 12 năm 2005, khi M.U bị loại cay đắng ở vòng bảng Champions League (thậm chí đứng chót, không có cả suất dự Cúp UEFA an ủi), bị Chelsea bỏ xa cả chục điểm ở Premier League và hậu trường Old Trafford xáo trộn bởi sự xuất hiện của ông chủ mới người Mỹ. Xương sống của đội là Roy Keane chia tay trước đó đầy bất ngờ mà một nguyên nhân quan trọng là vì trụ cột này công khai chỉ trích chất lượng các đồng đội trên kênh truyền hình nhà MUTV. Không ít người đã nghĩ đó là dấu chấm hết cho kỷ nguyên Sir Alex. Thậm chí, cây viết chắp bút cho tự truyện của Sir Alex là Hugh McIlvanney còn bình luận trên tờ Sunday Times rằng Sir Alex nên tự tìm đường rút lui thay vì bị “sa thải từ Florida”. Mùa giải đó, M.U trắng tay. Mùa giải kế tiếp, kịch bản bi kịch suýt lặp lại song Sir Alex còn con bài Cúp Carling. Nó không danh giá lắm nhưng chiếc cúp đó năm 2006 đã chứng kiến niềm tin tuyệt đối của ông đặt vào ngôi sao trẻ Ronaldo mà cụ thể là chấp nhận gạt bỏ Ruud van Nistelrooy. Hai năm sau, cuộc hồi sinh ngoạn mục có hồi kết hoàn hảo bằng chiếc cúp Champions League ở Moskva.
Sẽ có cuộc hồi sinh nhanh chóng tương tự cho M.U năm nay? Vị thế hiện nay của họ vẫn khá ổn và tất cả đều còn trong tầm tay, kể cả con bài “phụ” là Cúp Carling! Nhưng tương lai đó tươi sáng hay không phụ thuộc nhiều vào tháng Giêng quyết định này mà mở màn sẽ là chuyến đi tới Birmingham đêm thứ Bảy. Sắc đỏ không còn chói ngời. Song đánh bóng lại được nó vẫn là một khả năng. Mà Sir Alex thì đã chứng minh ông có thể làm tốt những nhiệm vụ khó khăn như vậy…
Trung Sơn (Hong Kong)