(TT&VH) - Chuyện gì đã xảy ra khi Arsene Wenger giận dữ quăng mạnh chiếc áo vest lên băng ghế chỉ đạo? Chắc chắn đó không thể là một biểu hiện lo lắng về tỷ số, bởi lúc ấy, Arsenal đã thực sự dạy cho đối thủ cùng thành phố một bài học về khả năng chớp cơ hội (3-0).
Chiến thắng đã tới, nhưng chắc chắn, Giáo sư vẫn sẽ có những bài giảng quan trọng trong phòng thay đồ. Trong một ngày Arshavin tiếp tục gây thất vọng, Diaby và Bendtner liên tiếp phá hỏng mọi tình huống tấn công cuối cùng, hầu như mọi ý tưởng tấn công trung lộ của Arsenal đã bị phá sản. Và khi Spurs tạo ra được một sự giằng co đáng kể trên khắp mặt sân, sự lo lắng đã xuất hiện với CĐV Pháo thủ. Sự lo âu không chỉ tới từ lối đá có phần 5 ăn, 5 thua của các cậu bé nhà Wenger.
Arsene Wenger giận dữ quăng mạnh chiếc áo vest lên băng ghế chỉ đạo
Nó còn tới khi Fabregas bị cô lập một cách hiệu quả, dẫn tới việc các đường đạn của Arsenal luôn va phải cái boongke rắn chắc từ trước hàng thủ đội khách. Mọi thứ đã chỉ kết thúc khi Persie làm nổ tung cầu trường từ cú chạm bóng điệu nghệ như một diễn viên balê. Khi nào cũng vậy, mỗi khi có bàn thắng, sức nóng luôn lập tức lan toả một cách khủng khiếp dưới những đôi chân Pháo thủ. Đó cũng chính là lý do dẫn tới cú độc diễn siêu hạng của Cesc để nhân đôi cách biệt. Đó có thể xem là một bàn thắng hiếm có ở Emirates, kể từ khi Henry ra đi.
Cơn giận dữ của Wenger
Điều đáng mừng nhất dành cho Arsenal trong trận này chính là sự tập trung, điều đã khiến họ mất 2 điểm đáng tiếc ở Upton Park. Nhưng ngay cả khi Arsenal dập tắt mọi nghi ngờ về khả năng có 3 điểm bằng bàn thắng ở phút 60, các khán giả vẫn đã phải chứng kiến thái độ nóng nảy từ Giáo sư người Pháp. Vì sao? Thật ngược đời, người ngồi im lặng để thưởng thức 90 phút trận đấu lại là Harry Redknapp. Trong khi đó, dù những gì hiện lên trên bảng điện tử là một hố sâu ngăn cách, thì Wenger vẫn không ngừng chỉ đạo một cách quyết liệt ngoài đường pitch. Ngay cả khi Arsenal chơi kém ở Manchester, chiến lược gia đáng kính của họ cũng không có những biểu lộ như thế. Điều gì đã xảy ra?
Thật đơn giản, ngay cả khi 30 phút còn lại là không đủ để Tottenham gây địa chấn, thì Wenger cũng không cho phép Gunners chơi bóng theo cảm tính. Sự vượt trội về số cơ hội và số cú sút của Arsenal có thể khiến người ta lầm tưởng đây là một trận đấu một chiều. Nhưng thực ra, Arsenal vẫn là một “đứa trẻ” đầy nhiệt huyết và sẵn sàng lao vào mọi cuộc đấu sức trong ít nhất 20 phút cuối. Điều đó là phong cách của họ? Không đời nào Wenger lại chấp nhận nó một lần nữa. Những bài học trước AZ Alkmaar hay West Ham vẫn còn nóng hổi, và khi Giáo sư quăng mạnh chiếc áo vest lên ghế, điều đó có nghĩa là Arsenal vẫn chưa thuộc bài. Không ai cần Arsenal phải thể hiện một bộ mặt xấu xí để bảo vệ chiến thắng. Nhưng ít nhất, họ cũng cần chơi khôn ngoan hơn - chứ không phải quyết liệt hơn. Khi dẫn tới 3 bàn, bản lĩnh thi đấu sẽ là chiếc chìa khoá để kết thúc mọi thứ, chứ không hẳn là bầu nhiệt huyết.
Wenger đã tức giận, không chỉ vì Clichy đã liên tiếp bỏ vị trí một cách vô duyên. Ông có lý của mình, khi đã không được chứng kiến một Arsenal rõ ràng trong ý đồ và lạnh lùng về tâm lý thi đấu. Trước trận đấu, những nhận xét có phần ngạo mạn của Keane có lẽ đã tác động nhiều tới tâm lý của các cầu thủ trẻ bên phía đội chủ nhà. Nhưng nếu như Arsenal xem đây là một cuộc báo thù, họ sẽ không bao giờ lớn. Đó là lý do khiến Wenger không hề bày tỏ cảm xúc ở bàn thắng thứ 3. Nhưng ông lại tỏ ra hài lòng ở những phút cuối, chỉ khi các học trò trở lại trạng thái cân bằng, kiểm soát được chính mình để hướng tới một kết quả trọn vẹn. Giáo sư đã chỉ mặc lại chiếc áo vest vào thời điểm đó. Khi bài học đã được tiếp thu...
YẾN THANH