Chelsea & cuộc khủng hoảng mini: Bộ mặt thật của The Blues

02/12/2008 12:05 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Không phải lần đầu tiên, điệp khúc “Cây cầu đã gãy” vang lên ở Stamford Bridge. Trận thua cay đắng trước Arsenal không chỉ đơn thuần là một thất bại mà còn khiến người ta nhận ra diện mạo thật của Chelsea, và của Scolari.

Khi Chelsea đè bẹp Portsmouth 2 lần trên cả sân nhà lẫn sân khách với tỷ số 4-0, hạ nhục Boro và Sunderland với cùng chiến thắng cách biệt 5-0, báo chí có lý do để tán tụng về một lối chơi hiệu quả và đẹp mắt của họ. Song có một thực tế rành rành: Tất cả những kẻ chiến bại trước Chelsea kể từ đầu mùa chưa bao giờ được coi là một đội bóng có đẳng cấp. Điều đó có ý nghĩa gì khi các học trò của Scolari chỉ thể hiện một gương mặt bạc nhược ở những trận cầu lớn?

Mourinho và Avram xây, còn Scolari phá - đó là một nhận xét hoàn toàn chính xác khi đánh giá về phong độ của Chelsea tại Stamford Bridge. Suốt 4 năm rưỡi, đó là pháo đài bất khả chiến bại với 86 trận bất bại. Còn 1 tháng qua, nó đã 2 lần bị công phá. Chỉ giành 1/9 điểm tối đa trước 3 ông lớn Premier League trên sân nhà, Chelsea sẽ gặp cực kỳ nhiều bất lợi ở lượt về khi phải làm khách. Mà ai cũng biết, trong cuộc đua đến chức vô địch, những trận đối đầu giữa các đối thủ cạnh tranh trực tiếp có ý nghĩa lớn như thế nào.
 
Chelsea (áo xanh) đang khủng hoảng?

Những tưởng với tấm CV đẹp đẽ cùng thành tích VĐTG (với Brazil), á quân châu Âu (với BĐN) và 26 năm kinh nghiệm trên băng ghế huấn luyện, Scolari đủ khiến các fan Chelsea quên đi được Mourinho. Tuy nhiên, giờ người ta không khỏi so sánh ông với vị HLV người BĐN. Dưới thời Mourinho, Chelsea bất bại trước Arsenal, chỉ thua M.U 1 trong số 10 lần chạm trán. Chỉ có Liverpool là khiến Chelsea e ngại nhất, song xét về đối đầu, “Chelsea Mourinho” vẫn nhỉnh hơn (thắng 7 so với 5).

Ngày mới tới Chelsea, Scolari đã hùng hồn tuyên bố Chelsea sẽ giành cú ăn tư, nhưng rốt cục mục tiêu Cúp Carling đã tan thành mây khói (thua Burnley). Ở Olimpico, ông muốn đặt phòng khách sạn trước ở Roma vào tháng 5 năm sau (cho trận CK Champions League). Thế nhưng, Chelsea đang là đội bóng Anh chậm chạp nhất ở đấu trường này. Sau khi dõng dạc nói rằng Chelsea sẽ lập kỷ lục về điểm số - 97 điểm ở Premier League, đội bóng của Scolari lập tức mất 2 điểm trước Newcastle và trọn 3 điểm trước Arsenal.
 

Lỗi của Scolari?

Scolari đã để lại dấu ấn gì ở Chelsea? Chắc chắn là có. Tốc độ của Bosingwa, kỹ thuật của Deco (những học trò cưng của ông ở ĐT BĐN) và sự hồi sinh của Anelka chính là những ví dụ tiêu biểu nhất. Lối chơi nhanh, nhịp nhàng, thiên về tấn công bằng cách khai thác những khoảng trống của Chelsea đã phát huy hiệu quả trên sân khách bởi khi đó, hầu hết các đội bóng chơi với ít nhiều tâm lý tấn công. Tuy nhiên, khi Chelsea trở về sân nhà, các đối thủ của họ thiên về phòng ngự nhiều hơn và vì thế họ lúng túng. Anelka là tấm gương phản chiếu. Khi được chơi trên sân khách, tiền đạo người Pháp có nhiều khoảng trống để hoạt động hơn và đó cũng là lý do mà trong số 12 bàn ghi được thì có tới 7 bàn đến từ những chuyến đi xa nhà.

Nhưng nếu như mùa giải này, Chelsea không vô địch Premier League thì cũng chớ đổ lỗi hoàn toàn cho Scolari. Sau khi tiếp quản Chelsea, Scolari đã không được thừa hưởng một đội hình lành lặn. Những mất mát của Essien và Carvalho và đôi lúc cả Terry rõ ràng đã khiến Chelsea yếu đi đúng phần xương sống. Scolari đã cố bù đắp bằng Mikel, bằng Mineiro, nhưng phải đến những trận cầu cực kỳ căng thẳng thì điểm yếu đó mới lộ ra. Ngay cả Petr Cech, người mới nhận danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất CH Czech lần thứ 4 liên tiếp và mới thủng lưới 6 bàn ở Premier League cũng không còn là chính mình ở thời kỳ đỉnh cao nữa, sau những chấn thương liên tiếp, mà phong độ tệ hại ở EURO 2008 là một minh chứng.

So với Scolari ở mùa giải này, Wenger còn chịu nhiều thời điểm cay đắng hơn nhiều. Thế nhưng chưa chắc vị HLV người Pháp này phải chịu tổn thương nhiều hơn Scolari. Ở Emirates, Wenger đã có 12 năm gây dựng và ít nhiều đã được ghi nhận công trạng. Và với một đội hình ít ngôi sao như The Gunners, sức ép vô địch cũng không quá nặng nề như Chelsea, đội bóng đã đổ hàng đống tiền để xây dựng một đội hình để chiến thắng ở cả Premier League và Champions League. Ngoài yếu tố ấy, Scolari còn phải vượt qua chính cái bóng của người tiền nhiệm Mourinho nữa. Đó là thử thách không hề dễ vượt qua.
 
Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm