Năm 2008 của đội tuyển Pháp: Khi những nỗi đau chưa tan

21/11/2008 09:02 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Cuộc hành trình của đội tuyển Pháp trong năm 2008 kết thúc với trận giao hữu hòa không bàn thắng trước Uruguay ngay trên sân nhà Stade de France. Một chặng đường cũ đã khép lại, nhưng những nỗi đau xem chừng chưa thể nguôi ngoai.

Đội tuyển Pháp chào năm 2008 bằng một thất bại. Tháng Hai, họ thua 0-1 trước Tây Ban Nha trong một trận giao hữu với bàn thắng duy nhất của hậu vệ Joan Capdevilla. Cú vấp ngã đó có gì quá ghê gớm, khi mà “Les Bleus” chơi trên sân khách và họ còn những gần bốn tháng để tự hoàn thiện mình cho trận đánh lớn nhất của năm: EURO 2008. Nhưng có thể coi trận thua ấy như là một điềm gở, báo hiệu năm mới đầy sóng gió đối với “Gà trống Gaulois”.

Nụ cười trở lại trên môi người Pháp một tháng sau đó. Ngày 26/3/2008, họ khuất phục người Anh 1-0 trên sân nhà với cú sút penalty thành công của Franck Ribery. Chiến thắng trước kình địch Anh là một liều thuốc tinh thần vô cùng hữu hiệu bởi dù chỉ là một trận giao hữu, nhưng cuộc chạm trán giữa những đội bóng hàng đầu thế giới luôn mang nặng tính danh dự. Điều thú vị là chỉ trong hai tháng, đội tuyển Pháp đã thua một đội mà sau này đăng quang ở EURO 2008 (TBN) và thắng một đội được đánh giá rất cao (Anh) nhưng lại chỉ là kẻ chầu rìa ở giải đấu quan trọng nhất trong năm của bóng đá châu Âu.
 
 Tân binh Steve Savidan (phải), cầu thủ Pháp chơi hay nhất trong trận đấu với Uruguay
 
EURO 2008 cũng chính là nỗi đau lớn nhất của nước Pháp trong vòng sáu năm trở lại đây, kể từ World Cup 2002, giải đấu mà đương kim vô địch “Les Bleus” đã phải dừng bước ngay từ vòng bảng với vẻn vẹn một điểm và không ghi nổi một bàn thắng nào. Tại Áo và Thụy Sĩ, đội tuyển Pháp hùng mạnh trở thành cái rổ trứng hạng sang cho bảng đấu với sự hiện diện của Hà Lan (thua 1-4), Italia (0-2), Romania (0-0). Xếp chót bảng “tử thần”, Pháp lầm lũi về nước với một điểm cùng bàn thắng duy nhất của Thierry Henry ghi vào lưới Hà Lan.

Tội đồ của màn trình diễn kém cỏi ấy không ai khác ngoài Raymond Domenech, một kẻ bảo thủ và kém chuyên môn nhưng lại có khả năng gây dựng những mối quan hệ với các quan chức Liên đoàn bóng đá Pháp. Thất bại ở EURO được “ỉm” đi nhanh chóng dưới sự che chắn của Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp Jean-Pierre Escalette, bạn thân của Domenech. Một trận thua không thể tin nổi trước Áo và trận hòa đáng thất vọng một tháng sau trước Romania ở vòng loại World Cup 2010 cũng “chìm xuồng” với chiêu bài (hay là trò hề) dân chủ được Escalettes “phù phép”: Bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả là Domenech vẫn ở lại một cách ngoạn mục. Bất chấp những kêu gào của dư luận, Domenech vẫn “trường tồn” trong hơi thở ngày một yếu đi của “Les Bleus”.

Năm 2008 của đội tuyển Pháp, với bao ngổn ngang và tranh cãi, đã khép lại bằng trận hòa 0-0 trước Uruguay. “Les Bleus” sẽ mở màn năm 2009 bằng trận giao hữu với Argentina vào ngày 9/2 tới trước khi tiếp tục chiến dịch giành vé đến Nam Phi dự World Cup 2010.
 

Pháp giữ sạch lưới trước Uruguay: Kiềm chế lạm phát

Không bàn thắng. Nhưng cũng không nốt bàn thua. Từ sau trận hòa 0-0 với Romania ở lượt trận đầu vòng bảng EURO 2008, giờ đây Pháp mới chấm dứt được chuỗi trận để thủng lưới liên tiếp bằng một trận hòa không bàn thắng khác, trước Uruguay. Lạm phát đã được kiềm chế.

Từ đầu năm cho đến trước EURO 2008, Pháp đá năm trận giao hữu, ghi bốn bàn và để thủng lưới một lần duy nhất trước Tây Ban Nha. Nhưng sau trận mở màn năm 2008 thua Tây Ban Nha đó, “Les Bleus” đã giữ sạch lưới trong năm trận liên tiếp, tính cả trận ra quân ở EURO 2008 hòa không bàn thắng với Romania. “Con quái vật” lạm phát bàn thua chỉ hoành hành từ trận đấu thứ hai ở Áo và Thụy Sĩ. Hà Lan rồi Italia thay nhau bắn phá tan nát khung thành đội tuyển Pháp, khiến thành quả mà Domenech và các học trò dày công gây dựng bốn tháng trước đó tiêu tan chỉ trong vòng hơn chục ngày đêm.

Cơn lạm phát không hề có dấu hiệu suy giảm sau EURO 2008. Các đối thủ từ châu Âu đến châu Phi, từ mạnh đến yếu, trong loạt trận giao hữu hay vòng loại World Cup 2010 đều có khả năng khiến mành lưới của “Les Bleus” rung lên ít nhất một lần. Một đội đàn em như Áo cũng có thể sỉ nhục hàng phòng ngự Pháp với ba lần chọc thủng lưới. Romania và Thụy Điển mỗi đội hai lần. Tunisia và Serbia, dù đều thất bại trước người Pháp, cũng “góp vui” với một bàn. Cuộc chạm trán với đội tuyển Pháp bỗng trở thành một trò chơi mà ai tham gia dù thắng dù thua, cũng có quà lưu niệm để đem về.

Người Pháp có thể thất vọng với kết quả hòa không bàn thắng trước Uruguay, nhưng Domenech vẫn tỏ ra hài lòng với việc đội nhà đã giữ được sạch lưới (dù không phải Hugo Lloris bắt hay hơn Steve Mandanda và các hậu vệ chơi tốt hơn, mà chủ yếu vì Uruguay dứt điểm quá kém). Hài lòng cũng phải, khi chuỗi trận để thủng lưới liên tiếp đã kết thúc. Nhưng biết đâu, một căn bệnh mới đang hình thành, khi hàng công của Pháp cũng trở nên vô hại.

Phạm An

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm