Ancelotti gửi Berlusconi: “Đây là đội bóng của tôi”

23/09/2008 11:10 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Những thay đổi người của Ancelotti ở đầu hiệp 2 của trận thua Genoa, khi loại bỏ không thương tiếc Ronaldinho và Shevchenko, để thay bằng Seedorf và Borriello, có thể là một cách hành xử vô lễ với Berlusconi, như một sự phủ nhận dự án ngôi sao đầy tham vọng của ngài Chủ tịch kiêm Thủ tướng Italia.
 
Nhưng nếu Milan đã chơi hay hơn khi không có 2 ngôi sao lớn mà Berlusconi đưa về theo ý ông, đến mức mà chính cánh tay phải của Berlusconi là Galliani cũng phải thốt lên là “Milan của hiệp 2 chơi tốt hơn”, thì chắc chắn Ancelotti có lí. Những gì chứng tỏ trong 2 trận đấu với Zurich và Lazio lại cung cấp thêm những bằng chứng sắt đá nữa cho thấy ông chủ có thể là một chính trị gia xuất sắc và chuyên thích những “hiệu ứng đặc biệt” về truyền thông, nhưng rốt cục chỉ là một tay mơ: khi những ngôi sao của Berlusconi chỉ đóng một vai trò rất phụ trong đội bóng, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, Milan chiến thắng.
 
Berlusconi, bằng ảnh hưởng của ông chủ và ý thích nhúng mũi vào mọi việc của Ancelotti, đã khát khao xây dựng một đội bóng lung linh với những ý tưởng của ông. Ông gây sức ép lên Ancelotti trong trận gặp Bologna, buộc Ancelotti phải tung Shevchenko vào sân ở hiệp 2 (khi tỉ số đang là 1-1), khiến Milan mất cân bằng và không còn khả năng phòng ngự dẫn đến thất bại. Ông đòi hỏi vị HLV 49 tuổi (tuổi xung) của mình phải bố trí bộ ba Quả bóng vàng trong trận đấu với Genoa bất chấp phong độ và sức khỏe của họ.
 
Ancelotti đã đúng khi quyết định "chống lệnh" Berlusconi
 
Kết quả: lại thua. Ancelotti đã giành lại đội bóng về tay mình sau khi đã chờ đợi 135 phút của 2 trận Bologna, Genoa để chiều lòng một ông chủ quá hợm hĩnh và thích thể hiện quyền lực, dù biết Milan có thể thất bại. Đó cũng là cách phơi bày cho tất cả thấy rằng “Milan của ông chủ” đúng là là một Milan thất bại. Hiệp 2 trận gặp Genoa, sủng thần số 1 của ông là Seedorf và Borriello vào sân. Trận Zurich và Lazio: Ronaldinho chỉ vào sân trong 20 phút cuối, khi thắng lợi của Milan là không thể đảo ngược được. Shevchenko đã đá 75 phút với Zurich và dự bị cả trận gặp Lazio. Kết quả: Milan “công nhân” chiến thắng.

Ancelotti có thể đưa Ronaldinho vào sân ở hiệp 2 với Lazio sớm hơn nữa, nhưng ông không làm. Ancelotti có thể rút Borriello ra khỏi sân để nhường chỗ cho Shevchenko, đã khởi động bên đường piste suốt 20 phút, nhưng cuối cùng ông phớt lờ luôn. Người HLV bị ông chủ “thúc đít” nhiều nhất thế giới thừa hiểu rằng, trong cuộc chiến không cân sức với ông chủ, chỉ có những thất bại mất mặt mới là cách để ông ta mở mắt ra được. Sự bối rối của Berlusconi hiện ra trên kênh Sky sau trận đấu, khi một phóng viên hỏi, “ông nghĩ gì khi thấy Ronaldinho và Shevchenko ngồi ghế dự bị?”, vị thủ tướng đã quay sang Galliani và bảo: “Cậu hãy nói về vấn đề này đi”.

Nhưng trước khi làm Berlusconi mất mặt, Ancelotti đã dùng cái mồm của Seedorf, một công thần, người có nguy cơ mất chỗ vì sự xuất hiện của Ronaldinho, để nói lên những điều ông nghĩ, nhưng không nói ra. Sau trận thua Lugano, Seedorf: “Chúng tôi xin lỗi các tifosi. Những trận thua như thế này sẽ không xuất hiện nữa”. Sau những chỉ trích nhắm vào Pato, mà vị trí bị đe dọa bởi Shevchenko và đã chơi không tốt trong 2 trận đầu, lại Seedorf: “Cậu ấy đã được giới thiệu như là một Ronaldo mới. Nhưng Pato mới có 18 tuổi. Cậu ấy không có lỗi”.
 
Một lời tuyên bố thẳng thừng vào Berlusconi, người đã nghĩ rằng, chỉ đơn giản bổ sung một chú nhóc chưa đầy 20 tuổi là có thể giải quyết một cách qua quít vấn đề già cỗi của đội bóng. Thực tế cho thấy, một khi tâm lí được giải tỏa, trong 2 trận đá chính với Zurich và Lazio, Pato đã ghi 2 bàn thắng. Sau khi thắng Zurich 3-1, Ancelotti mới đích thân lên tiếng: “Tài năng cá nhân không đủ. Để chiến thắng, cần một đội bóng”. Thêm một cái tát nữa cho Berlusconi! Thông điệp cho Berlusconi của Ancelotti quá rõ ràng: “Là thủ tướng, ngài hãy lo việc nước, còn tôi là HLV, tôi sẽ lo cho đội bóng thân yêu mà ngài là chủ. Chừng nào tôi còn dẫn dắt đội bóng, làm thế nào để chiến thắng là công việc của tôi”.

Ancelotti đã từng nhiều lần chống lệnh Berlusconi, trong đó có việc tung ra một đội hình dự bị cho trận gặp Real Madrid năm 2003, khi Milan đã vào vòng sau và ôngi không muốn căng sức đá cho một trận chỉ có ý nghĩa thủ tục. Berlusconi bực tức sau khi chứng kiến Milan thua 1-3. Nhưng mùa ấy, Milan đã đoạt Champions, cứu Ancelotti khỏi cái rìu của ngài chủ tịch. 5 năm đã qua kể từ đó, Berlusconi càng can thiệp sâu hơn nữa vào công việc chuyên môn, nhưng Ancelotti đã từ bỏ chính sách đối đầu sang tuân lệnh (mà trong lòng không phục). Thái độ ấy chưa chắc đã giúp ông an toàn hơn. Cuộc chiến Ancelotti-Berlusconi trong lòng Milan sẽ kéo dài hết mùa bóng này, mùa bóng mà một lần nữa sau trận thắng Lazio, Berlusconi nêu ra 3 mục tiêu: “Scudetto, Cúp Italia và Cúp UEFA”, nghĩa là hoặc chiến thắng, hoặc bị sa thải, thậm chí khi mùa bóng đang diễn ra.

Dây thòng lọng ngày càng thít chặt vào cổ Ancelotti. Chỉ còn chờ Berlusconi đá vào cái ghế dưới chân vị HLV Milan nữa mà thôi.

Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm