Xung quanh vụ bầu Kiên bị bắt: Dòng đời không dừng lại

25/08/2012 09:26 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH)- Dẫu cuộc đời có thế nào, thì vẫn phải sống và đối diện với nó. Không thể vì vắng bầu Kiên, thì VPF phá sản, hai giải đấu đỉnh cao của bóng đá VN chấp chới.

Ai cũng có thể thay thế

Trước hết, lúc này cần phải rạch ròi  giữa 2 ông Nguyễn Đức Kiên: một ông Kiên lĩnh vực bóng đá và một ông Kiên lĩnh vực kinh doanh (ngoài bóng đá). Ai vi phạm pháp luật cũng bị trừng trị, ông bầu này không phải là ngoại lệ. Nhưng với bóng đá, chưa có kết luận ông Kiên vị phạm pháp luật, hơn 10 năm gắn bó trong điều kiện thất bại, lỗ nhiều hơn lãi, thì cũng có thể kiểm chứng nồng độ mê bóng đá của bầu Kiên ở mức nào. Ông cũng là nhân vật chính tạo nên đợt phản biện làm thay đổi một số cơ chế quản lý, điều hành bóng đá ta ở phương diện vĩ mô, xem ra một mùa giải vẫn còn quá sớm để đánh giá  năng lực cá nhân ông và VPF.



Bầu Kiên (trái) bị bắt nhưng guồng quay BĐVN vẫn phải tiếp tục. Ảnh: V.S.I

Cả đất nước hơn 84 triệu dân. Bóng đá chuyên nghiệp đã phát triển 12 năm, số người hiểu và nắm rõ bóng đá từ thời bao cấp có thể ví nhiều như lá rừng. Do đó, để tìm ra người am hiểu bóng đá, có tài lèo lái bóng đá bằng hoặc hơn ông Kiên, chắc chắn không hiếm. Vấn đề, có cơ chế nào để người tài trong bóng đá được mạnh dạn phản biện, được phụng sự, cống hiến hết mình cho bóng đá, lại là chuyện khác.

Tương tự, số doanh nhân ăn nên làm ra, mê bóng đá và sẵn sàng chung tay vì sự nghiệp cách mạng bóng đá nước nhà, tin rằng cũng không ít. Làm sao để họ có niềm tin tưởng, tạo được sân chơi công bằng cho họ, lại là chuyện khác. Nếu không làm được thế, chắc chắn số ông bầu chơi bóng đá theo kiểu đạt mục đích quảng bá thương hiệu, đầu cơ, rồi bỏ bóng đá chưa dừng lại.

Tóm lại, ông Kiên là người đặc biệt, nhưng không thể không thay thế để đến mức làm tê liệt VPF, V-League và hạng Nhất. Vẫn có nhiều người thay thế nếu bóng đá ta có cơ chế, chính sách phát triển tốt, biết trọng dụng người tài.

Tiếp tục tìm đường hay về lại “bến xưa”…

Dòng đời không thể dừng lại, nên những người có trách nhiệm vẫn phải đối diện với những bài toán trước mắt. Đầu tiên, VPF sẽ bầu ai thay thế ông Nguyễn Đức Kiên. Chỉ cần vị trí này được bầu ra, thì chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được dụng ý cũng như diễn tiến của sự phát triển VPF sau này.

Thứ nữa, đánh giá lại một cách công bằng nhất mùa giải dưới sự điều hành trực tiếp của VPF, cùng sự hỗ trợ của VFF, những điều làm được và chưa được ở mức độ nào. Đồng thời, thẩm định đúng bản chất, năng lực của VPF, để xem xét tổ chức này có thực sự khả quan. Nên tiếp tục đặt niềm tin VPF, hay là trả lại quyền điều hành, tổ chức hai giải đỉnh cao cho VFF, hoặc giao cho tổ chức khác? Tổng cục TDTT phải thẩm định được trước khi đưa ra quyết sách, chứ không nên đóng vai trò trọng tài. Riêng VFF, vẫn phải nói lại họ đã làm cho bóng đá chuyên nghiệp nước nhà cũng như thành tích của 2 ĐTQG ra sao trong hàng chục năm qua, có lẽ ai cũng hiểu rõ.

Cuối cùng, cho dù ai thay bầu Kiên, tổ chức nào quán xuyến 2 giải đấu đỉnh cao, cũng nên phải có sự đổi mới trong tư duy lẫn hành động. Trong đó, ngoài sự hỗ trợ, vai trò quản lý về mặt nhà nước của Tổng cục TDTT, của VFF với các tổ chức thành viên trong hoạt động bóng đá, phải đậm đặc hơn nữa.

Trong trường hợp công tác chuẩn bị cho mùa giải mới chưa sẵn sàng, thì hãy hoãn giải. Đến khi nào đã thực ổn thì cho phép bóng lăn, để khỏi tốn vài nghìn tỷ đồng quá lãng phí trong khi cuộc chơi vẫn bất công bằng.

Đấy cũng là giải pháp phải nghĩ đến. Tạm dừng giải không có nghĩa trường hợp nào cũng sẽ làm trì hoãn sự phát triển của bóng đá VN.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm