VFF sẽ tiếp tục thất bại nếu doanh nghiệp không đồng hành

28/09/2011 08:19 GMT+7 | V-League

(TT&VH) -TT&VH đã nhận được bức thư điện tử của Chủ tịch CLB K.KH Lê Tiến Anh. Trong số những ý kiến trên dư luận của các ông bầu vừa qua, những phát biểu của Lê Tiến Anh được coi là sắc sảo, biện chứng và cũng thể hiện trách nhiệm cao với bóng đá nước nhà, trên tinh thần xây dựng.

Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của ông Lê Tiến Anh. Hy vọng,  bài viết cũng là một trong những gợi ý để VFF cũng như Chủ tịch CLB quan tâm, đưa vào chương trình thảo luận trong Hội nghị vào ngày mai.


Chủ tịch CLB K.KH Lê Tiến Anh

Để tìm được những giải pháp nào hợp lý nhất phù hợp với bóng đá Việt Nam hiện nay, chúng ta phải nhìn nhận một cách thực tế khách quan về hiện trạng của nó. Trước mắt, nên tập trung vào hai đối tượng chính là: Bộ phận tổ chức cuộc chơi và người tham gia cuộc chơi.

1. Người tham gia cuộc chơi. Những doanh nghiệp nào đang và sẽ làm bóng đá? Chúng ta có thể phân ra các nhóm như sau:

Những doanh nghiệp có những ông chủ mạnh về tài chính, đam mê bóng đá thật sự. Đầu tư bóng đá mang tính lâu dài, bài bản. Phát triển bóng đá làm mục tiêu chính vì người hâm mộ.  Thật tiếc khi nhóm này thiểu số, chưa có sự giúp đỡ, nhất là từ phía VFF để họ nuôi dưỡng đam mê, tình yêu bóng đá.

- Những doanh nghiệp có những ông chủ làm bóng theo trào lưu nhất thời, tham gia đầu tư bóng đá nhưng còn nhiều mục đích khác ngoài bóng đá. Nhóm này phổ biến, VFF không có sự kiểm soát nên đã tác động cực xấu đến hoạt động chung của bóng đá chuyên nghiệp.

- Những doanh nghiệp làm bóng đá vì nhiệm vụ chính trị của địa phương, chạy theo thành tích là chính …Đây là mô hình của bóng đá bao cấp, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng không lớn, bởi cơ bản họ vẫn giữ được cái gốc, bản sắc, nhất là đào tạo trẻ. Nhóm này nếu có sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương hơn nữa, có sự cộng hưởng của doanh nghiệp trong địa phương, sẽ từng bước thoát ra khỏi diện mạo cũ để phát triển hơn theo lộ trình của bóng đá chuyên nghiệp.

Rõ ràng,  3 hiện trạng trên đã và  tác động chính đến tính chuyên nghiệp từ các CLB đến cầu thủ. Quá trình lên chuyên nghiệp đã bị khúc mắc từ hệ thống hạ tầng này.

2. Những người tổ chức cuộc chơi. VFF, BTC giải chưa thể hiện được vai trò, vị thế, mang lại niềm tin là người đại diện để tổ chức một sân chơi có tính chuyên nghiệp cao. Luật chơi (gọi nôm na là vậy) chưa công bằng, minh bạch, công khai. Tóm lại,  bộ máy tổ chức và điều hành còn tình trạng bao cấp, thiếu những người có tài năng, cá tính, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước xã hội.

- Tư duy, phong cách và lề lối làm việc còn mang nặng tính hành chính, chậm đổi mới theo thời cuộc, thiếu linh hoạt và sợ trách nhiệm. Với quan điểm và phong cách này hoàn toàn trái ngược với phong cách của những doanh nghiệp làm kinh doanh. Vì vậy, rất  khó có điểm chung để cùng doanh nghiệp đồng hành làm bóng đá chuyên nghiệp. Nếu không tìm được sự đồng cảm, thì còn lâu bóng đá ta mới phát triển, bất lợi tất nhiên sẽ dồn về VFF chứ không phải người hâm mộ.

- Cấu trúc nhân sự, phân công công việc trong bộ máy VFF theo dạng việc tìm người chứ không phải người tìm việc. Dẫn đến luôn bị động, giải quyết công việc không kịp thời và nhạy bén.

- Thông điệp mà VFF đưa ra thường thiếu nhất quán, mang tính đối phó nhiều hơn là lắng nghe và thấu hiểu để cùng nhau xây dựng . 

Với tình trạng trên, nếu không có sự điều chỉnh từ lỗi thượng tầng của hệ thống thì mâu thuẫn, xung đột sẽ còn xảy ra  và bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam khó tránh khỏi một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Đã có dấu hiệu nhiều ông bầu không còn máu mê bóng đá, và cả đã hụt hơi vì đổ quá nhiều tiền vào bóng đá nhưng chưa thu về lợi nhuận như mong muốn.

Từ những hiện trạng trên, trước mắt vì thời gian quá gấp, tôi mạo muội đưa ra một số giải pháp để cùng nghiên cứu .

1. Về giải pháp về trọng tài. Điều quan trọng nhất là cần có sự công khai minh bạch. Cần áp dụng quy định của FIFA một cách linh hoạt cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, chứ không phải biến quy định FIFA thành “bí hiểm”. Ví dụ, chức trưởng ban Trọng tài đòi hỏi phải là ủy viên BCH VFF nhưng lại không giải thích vị trí đó có phải là cựu trọng tài hay là không liên quan đến công tác trọng tài trước đây.

Công khai chấm điểm của giám sát cho các trọng tài ở mỗi vòng đấu để người hâm mộ giám sát việc đánh giá của các giám sát và theo dõi điểm của các trọng tài. Theo tôi, giám sát lâu nay đã không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm thậm chí bưng bít sai sót của trọng tài.

- Hàng tháng cần bình bầu còi xuất sắc nhất, cờ xuất sắc nhất tháng.

- Các tình huống trọng tài có quyết định xuất sắc cần phải biểu dương ngay. Tương tự, những trường hợp trọng tài sai, bị phản ứng cũng nên công khai hình thức kỷ luật, thay vì bưng bít và chỉ bắn tin cho báo chí những trường hợp có lợi cho ai đó.

- Cần có khung điểm cho trọng tài để có mức trả tiền thù lao khác nhau. Điểm cao thì mức thù lao thật cao, có thể gấp nhiều lần so với điểm trung bình.  Tất nhiên, phải giám sát được để việc chấm điểm phải công bằng, minh bạch. Hay nói cách khác, cần phải có bộ phận chuyên môn giỏi, độc lập với Ban tổ chức và Ban trọng tài để đánh giá lại việc chấm điểm của các giám sát. Qua đó mạnh dạn thay giám sát không công tâm hoặc dĩ hoà vi quý .

2. Giải pháp về giá chuyển nhượng-  thưởng của cầu thủ. Tình trạng bát nháo hiện nay nếu để kéo dài sẽ đến một lúc nào đó cuộc chơi V-League chỉ còn tập trung vào khoảng 3 đến 4 CLB giàu mạnh về tài chính, các CLB khác sẽ chỉ đứng nhìn cuộc đua tiền.  Bóng đá VN sẽ đi về đâu khi không có được sự đồng hành của hơn 80 triệu dân và đa số các đội bóng? Theo tôi:

- Chúng ta đã có mức tối thiểu kinh phí phải có để tham gia bóng đá thì cũng nên có mức tối đa kinh phí cho sân chơi này. Mức kinh phí tham gia theo giới hạn không tính kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, mà chỉ tính 3 khoản chi lớn là lương, thưởng và giá trị chuyển nhượng phải bỏ ra sau khi trừ tiền thu được từ chuyển nhượng.  Các CLB phải minh bạch tài chính, nếu cố tình sai phạm thì bị loại khỏi giải. Cầu thủ trốn thuế thì bị đình chỉ thi đấu. 

- Các CLB phải đăng ký quỹ thưởng cho toàn giải, mức thưởng mỗi trận, phương pháp tính thưởng toàn giải phải nhất quán từ đầu giải. Thưởnng đột xuất cũng nằm trong quỹ thưởng đăng ký từ đầu giải, không phát sinh .

- Mức chuyển nhương cầu thủ nội phải có khung tối đa. Nếu là tuyển quốc gia mới đạt trong khung cao nhất. Tuyển thủ quốc gia và các U có giá trị khác nhau. Điều này sẽ tạo môi trường cho các cầu thủ phấn đấu cho đội tuyển hơn. 

- Cầu thủ đang bị kỷ luật ở CLB này thì không được qua CLB khác đăng ký đá. Cầu thủ còn trong hạn hợp đồng muốn qua CLB khác phải làm việc trực tiếp với CLB đang quản lý và phải được sự đồng ý, trước khi thoả thuận với cầu thủ .

- Cầu thủ trẻ khi chuyển nhượng lần đầu thì CLB mua phải trả 30% giá trị chuyển nhương cho CLB đào tạo .  Các lần chuyển nhượng sau bất kể hết hợp đồng hay còn hợp đồng đều phải trả cho CLB đang sở hữu 20% giá trị chuyển nhượng ( chưa tính giá trị đền bù ). Công khai minh bạch và đóng thuế đầy đủ giá trị chuyển nhượng. Trốn thuế hoặc dung túng cho trốn thuế bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định .

3 - Phiên hiệu tên Câu lạc bộ. Một phiên hiệu mới hay một lần đổi tên CLB phải có giá trị 5 năm mới thay đổi . Nếu không đủ kinh phí thì xoá sổ rời cuộc chơi .

4 - Giải pháp về đào tạo trẻ. Tất cả CLB phải có hệ thống đào tạo trẻ tối thiểu từ U17 trở lên . Cần phải có quy định cụ thể điều kiện cơ sở vật chất đào tạo trẻ , số lượng mỗi tuyến , số HLV đủ cơ số cho công tác đào tạo, kinh phí tối thiểu cho mỗi năm…

Giải trẻ hạn chế số lượng mươn cầu thủ từ nơi khác ( không quá 3 -5 ). Cầu thủ trong danh sách thi đấu tối thiểu phải thuộc biên chế 12 tháng.

Giải V-League cần quy định tối thiểu 3 cầu thủ trẻ dưới 21 . Tuy nhiên cầu thủ trẻ đá ở V.League rồi vẫn được đá ở các giải trẻ trong nước để có điều kiện cọ xát.

Nên quy định trận đấu mở màn ở các sân phải có trận đấu mở màn của tuyến trẻ.  Cần sắp xếp theo bảng của vùng để tránh đi lại nhiều . Kết thúc V.League sẽ chọn 4 đội đầu của 4 bảng giành giải 1 – 2 – 3 .

Theo quan điểm của cá nhân tôi, chỉ khi nào VFF và những người quản lý bóng đá, những nhà đầu tư cho bóng đá phải xem mục đích chính mà mình nhắm đến là phục vụ cho người hâm mộ thì bóng đá Việt Nam mới phát triển, khi đó đầu tư bóng đá mới hiệu quả và có lãi.  

LÊ TIẾN ANH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm