Thơ Tố Hữu và lời ru của bố

10/12/2010 09:42 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tôi đã lớn lên bằng lời ru của bố. Những lời ru không chỉ có cánh cò cánh vạc; có dòng sông xanh mát và cánh đồng bao la. Đó còn là những lời ru về mẹ Suốt, mẹ Tơm, về bà Bầm, bà Bủ. Ông bố trẻ ngâm thơ để ru con ngủ.

Rồi lớn lên, khi cắp sách tới trường, qua những trang sách tuổi thơ tôi biết đó là những vần thơ của Tố Hữu. Bố bảo rằng ông là nhà thơ cách mạng lớn nhất Việt Nam. Những vần thơ của ông thiêng liêng, hiên ngang như dáng hình Tổ quốc, thúc giục cả đất nước hành quân ra trận. Những vần thơ rực sáng như “mặt trời chân lý”. Những vần thơ mộc mạc, gần gũi và thiết tha như câu ca dao, như điệu hò; như vách rơm, mái rạ; như từng thớ đất quê hương.


Khách đến thăm nhà lưu niệm Tố Hữu

Một buổi tối mùa Đông năm 2002, khi tôi vừa bước vào nhà thì bố nói Tố Hữu mất rồi. Tôi lặng im không nói gì, như vừa mất đi một người thân yêu, mất đi một điều quý giá. Vậy là ước nguyện được gặp một nhà thơ vĩ đại của dân tộc, của thời đại Hồ Chí Minh của tôi mãi mãi không thực hiện được.

Và tháng năm trôi qua, những người già mất đi, những đứa trẻ lại sinh ra và lớn lên. Giờ đây bố vẫn lại ru cháu những giai điệu lời ru, những vần thơ của hai mươi năm, ba mươi năm về trước. Đứa cháu hai tuổi mới tập nói thỉnh thoảng lại bi bô “chang chang Quảng Bình” (câu thơ đầy đủ trong bài thơ về Mẹ Suốt“Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”, nhưng trẻ tập nói không thể nói đầy đủ). Có thể, đó sẽ là những âm thanh đầu tiên để ươm mầm cho tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước.

Nhanh quá, vậy là Tố Hữu đã vĩnh biệt chúng ta gần một thập kỷ. Cứ nghĩ rằng giữa cuộc sống bộn bề với bao bon chen hối hả của guồng máy công nghiệp, thì thơ Tố Hữu sẽ tạm nghỉ yên trong các thư viện hoặc tủ sách cũ kỹ của những người hay hoài niệm. Hóa ra không phải thế! Từ mọi miền Tổ quốc, từng đoàn người vẫn lặng lẽ tìm đến thăm nhà tưởng niệm của gia đình, để thỏa lòng yêu mến thơ ông và con người ông. Đó là một Việt kiều từ một xứ sở xa xôi, tranh thủ mấy ngày về nước, để đến thăm nhà tưởng niệm; để khi đi xa, mãi nhớ về quê hương đất nước. Đó là một doanh nhân trẻ, đưa cả một đoàn cán bộ nhân viên từ miền Nam ra thăm để hiểu hơn một nhà thơ lớn. Giữa rất đông người, có một bạn trẻ đang say sưa viết những dòng cảm tưởng trong sổ lưu niệm. Hỏi ra mới biết đó là một cô giáo, nhưng không phải là một cô giáo dạy văn mà dạy toán tin. Mong sao cô truyền được những vần thơ thiết tha vào những công thức toán học khô khan, để những thế hệ “a còng” lớn lên sẽ không chỉ có những khái niệm về bê tông và lợi nhuận.

Thỉnh thoảng tôi lại đến viếng thăm ông tại nơi yên nghỉ của những người con vĩ đại của thời đại Hồ Chí Minh và lặng lẽ thắp một nén hương để tưởng nhớ về một hồn thơ vĩ đại.

(Bài viết nhân dịp kỷ niệm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu, 9/12/2002)

Đào Vân Việt (Hà Nội)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm