Điện ảnh Việt: Câu chuyện xuất khẩu (Bài Kết)

21/12/2010 08:13 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Lịch sử điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20, nếu chỉ chọn một nữ minh tinh được quốc tế nể trọng thì Thẩm Thúy Hằng (sinh 1941) là một chọn lựa xác đáng. Tại nhiều nền điện ảnh như Nhật Bản, Liên Xô, Tây Đức, Mỹ, Philippines, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Indonesia... dấu ấn của Thẩm Thúy Hằng vẫn còn trong các sử liệu điện ảnh. Bà được xem là một biểu tượng của xuất khẩu nhân lực điện ảnh. Năm 1969, khi đã trở thành siêu sao, với cát-sê thuộc hàng kỷ lục, bà lập hãng phim riêng và sản xuất Chiều kỷ niệm (ĐD: Lê Mộng Hoàng, lời thoại: Năm Châu), phim trắng đen, 35 mm, dài 105 phút, với đầu tư vài triệu, chỉ trong vài tuần, doanh thu đã lên tới 10 triệu đồng. Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, chưa có diễn viên nào mà tiền cát-sê cao và có thể chiếm đến 1/3 tổng số tiền sản xuất của một bộ phim, giống như Thẩm Thúy Hằng.

Còn hiện tại dù phim Việt đã bước đầu bước ra ngoài biên giới quốc gia nhưng vẫn còn rất ít ỏi và con đường rất chông gai và đầy nhọc nhằn.

Nguyễn Thái Hòa - (Giám đốc Hãng phim Giải Phóng):

Bán phim chủ yếu do “ăn may”…

- Đến nay, theo tôi biết thì chưa có bộ phim Việt nào được gọi là xuất khẩu theo đúng tiêu chí mua - bán để kinh doanh kiếm lợi nhuận cả - ông Nguyễn Thái Hòa cho biết. Thường phim của mình được bán ra nước ngoài là do khi mang đi chào hàng thì may mắn gặp được vài đối tác lẻ mua theo kiểu ủng hộ là chính. Phim của hãng Giải Phóng cũng vậy, có phim may mắn thì được 1-2 nơi mua, có phim mang đi hội chợ thì gặp được đối tác, nói chung là cũng do “ăn may”.

Trước đây Ai xuôi vạn lý bán được đâu một, hai chục ngàn đô-la. Mê thảo thời vang bóng bán được cho 2 nơi, một ở Mỹ (60.000 USD), một ở Nhật (80.000 USD). Ở Mỹ, đơn vị đó mua để phát hành tại vài rạp nhỏ phục vụ cộng đồng người Việt, còn ở Nhật, họ mua để phát trên truyền hình chứ không phải chiếu rạp. Trăng nơi đáy giếng cũng bán được cho 3 nơi với số tiền mang tính hỗ trợ là chính, khoảng 10-20 ngàn đô.

Nói chung, các đơn vị mua phim của chúng tôi là mua theo diện trao đổi văn hóa. Chúng tôi đưa phim đến những nơi đó cũng thường đưa bằng bản DVD. Một số hội chợ cũng tài trợ cho mình mang phim đến bán, điều này còn phụ thuộc vào mối quan hệ nhưng như tôi đã nói là hoàn toàn mang tính giao lưu văn hóa, họ ủng hộ, giúp mình bù đắp chi phí là chính. Quan hệ này cũng phập phù lắm vì nó phụ thuộc vào nhiều thứ, chẳng hạn như thời điểm phim mình ra thì hội đó, tổ chức đó có kinh phí thì mua chứ lúc họ không có kinh phí thì chịu; rồi phụ thuộc vào người đứng đầu các tổ chức, hội đó nữa. Chẳng hạn Mê thảo thời vang bóng có quan hệ tốt nhất đấy, bán được nhiều tiền nhất, nhưng nhà mua phim ở Mỹ sau đó không thấy liên lạc lại nữa. Còn tổ chức ở Nhật có ông chủ thích những bộ phim mang tính nghiên cứu, có cả một bộ sưu tập những bộ phim của các nước đang phát triển, ông ấy ứng trước 80.000 USD cho hãng khi Mê thảo còn là kịch bản với một thỏa thuận là khi nào làm xong thì đưa cho ông ta một bản. Bây giờ thì ông ấy đã đi sang thế giới bên kia rồi, và người kế nhiệm của ông ấy cũng từ biệt chúng tôi luôn!


Mê thảo thời vang bóng bán được nhờ có nhiều mối quan hệ tốt

* Nghe nói Long thành cầm giả ca cũng thuộc diện xuất khẩu?

- Có đấy nhưng chưa có kết quả. Trước đây Mê thảo cũng phải đợi 6 tháng mới có người mua. Phải đi nhiều mới mong bán được cho một vài chỗ.

* Cảm ơn ông.

Jimmy Nghiêm Phạm - (GĐ, Chủ tịch HĐQT Hãng phim Chánh Phương):


Một tiền lệ mới đang được mở ra…

Theo tôi thấy, Việt Nam rất có tiềm lực xuất khẩu phim. Chỉ có điều, những nhà làm phim tại Việt Nam chưa hiểu rõ về nhu cầu của những hãng mua phim nước ngoài; chưa hiểu về các quy chuẩn để làm ra một bộ phim có chất lượng về kỹ thuật, đủ điều kiện để họ chọn mua và phát hành rộng rãi.

Theo tôi tìm hiểu, từ trước đến nay điện ảnh Việt có mấy kiểu làm phim như sau: 1. Dòng phim do nhà nước sản xuất về chiến tranh, về đất nước, con người Việt Nam theo hướng tài liệu, lịch sử. Thể loại này thì không thể mua để chiếu rạp, người nước ngoài chỉ mua để chiếu trên tivi, hay làm sử liệu về sau này. 2. Dòng phim nghệ thuật, thường được giới làm nghề và giới giải trí ưa thích. Trước giờ Việt Nam cũng thích làm loại này nhưng chưa phát hành rộng rãi được, vì nhiều lý do. 3. Dòng phim thương mại đang phát triển rất nhanh trên thị trường phim ảnh và truyền hình ở Việt Nam. Thể loại này cũng được yêu cầu nhiều nhất trên thế giới. Hiện nay, khi ra bất kì hệ thống rạp chiếu nào ở Việt Nam hay trên giới, thể loại này luôn chiếm ưu thế. 4. Một số thể loại khác...


Với khoảng 3 tỷ đồng tiền vé tại hải ngoại, Để Mai tính được xem là
cột mốc thành công về doanh thu của việc xuất khẩu điện ảnh.

Khó khăn lớn nhất hiện giờ là nhà đầu tư chưa dám bỏ nhiều tiền để làm phim. Mức đầu tư an toàn là 5-10 tỷ đồng/phim và sau 6 tháng làm phim, 3 tháng phát hành, sẽ thu lời từ 1,2 đến 3 tỷ đồng. Trong khi ấy, Việt Nam đang nhập khẩu rất nhiều phim từ nước ngoài, chiếm 80-95% trên tổng số phim chiếu rạp. Những phim nhập vào Việt Nam được đầu tư từ vài triệu USD cho đến những siêu phẩm Hollywood 200-300 triệu USD. Điều này cho thấy một cuộc chiến không cân sức và không công bằng giữa phim Việt và phim nước ngoài. Kinh phí eo hẹp là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng xấu đến chất lượng phim. Nhưng do không có hướng xuất khẩu khiến nhà đầu tư e ngại. Hai lý do nữa khiến nhà đầu tư e ngại. Thứ nhất, phim Việt chưa tạo đủ lòng tin cho khán giả để họ cảm thông và trông đợi. Thứ hai, số lượng rạp chiếu phim chưa đủ đáp ứng nhu cầu của một nước với dân số gần 90 triệu người. Nếu đủ số rạp, nghĩa là quá trình hồi vốn và thu lãi nhanh, các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn trong việc bỏ tiền làm phim, dù hướng xuất khẩu vẫn bí lối.

Tuy nhiên, tôi thấy tình hình cũng có dấu hiệu khả quan. Hồi Dòng máu anh hùng chuẩn bị phát hành, chúng tôi đi chào bán ở rất nhiều nơi, nhưng khi nghe nói đến phim Việt là họ lại nghĩ đến những phim chiến tranh mà Việt Nam đã làm nên không quan tâm, thậm chí chẳng thèm xem. Như ông Bey Logan (công ty Weinstein, tại Hollywood), chúng tôi gửi phim cả tháng nhưng không thấy trả lời nên mới điện thoại hỏi thì ông ấy nói chưa xem, sau khi năn nỉ rớt cả lưỡi thì ông ấy hứa tối hôm đó sẽ liếc qua. Trong lúc đang “liếc qua”, ông đã điện thoại cho chúng tôi, trách cứ là tại sao không nói sớm hơn, và quyết định mua ngay đêm đó.


Poster Dòng máu anh hùng khi phát hành tại Mỹ, sự kiện này
đã giúp Việt Nam mở ra hi vọng việc xuất khẩu điện ảnh

Với sự giúp đỡ của công ty Weinstein, Dòng máu anh hùng được chiếu và bán DVD ở các nước nói tiếng Anh; được chào đón tại Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này đã giúp xóa bỏ một phần định kiến và mở ra một tiền lệ mới trong việc xuất khẩu. Nhờ vậy mà Bẫy rồng cũng đã được bán và phát hành ở nhiều nước trên thế giới. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ hợp tác với các công ty ở Hollywood như Media 8, XYZ Films… để làm một bộ phim hành động bằng ngôn ngữ tiếng Anh, quay tại Việt Nam.

Ngô Thị Bích Hạnh - (Tổng GĐ Công ty BHD):

Nhiều “tài nguyên” chưa được khai thác

Nhìn từ góc độ kinh tế, điện ảnh với một số quốc gia giống như là các làng nghề thủ công nhỏ, tài năng, khéo léo... làm ra được một số sản phẩm mà thế giới ưa thích. Còn với một số ít các quốc gia (Mỹ, Hàn Quốc, Pháp...) điện ảnh đã là một ngành công nghiệp. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tiên của hình thành ngành công nghiệp điện ảnh, chính vì vậy khó khăn còn rất nhiều. Để có làng nghề và có công nghiệp điện ảnh thì một vài doanh nghiệp không thể nào làm được, mà rất cần sự tổng lực và đồng bộ từ cấp độ, nhân lực, hãng phim, nguồn vốn, khoa học công nghệ... cho đến cơ chế phù hợp để hình thành, ổn định và phát triển.

Song tôi thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng, hơn 90 triệu dân với dân số rất trẻ. Lại là đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa, nhiều sự kiện…, trong kinh tế nó được hiểu nôm na như tài nguyên chưa được khai thác vậy. Hollywood cũng như điện ảnh Pháp đã thu được rất nhiều thành công cả về mặt nghệ thuật cũng như về mặt tài chính từ các đề tài về Việt Nam. Nếu Việt Nam có thể xây dựng được một nền công nghiệp điện ảnh thì chúng ta có thể khai thác được tài nguyên văn hóa này, bởi hơn ai hết tôi tin tưởng rằng người Việt Nam là người hiểu nhiều nhất về văn hóa, con người cũng như lịch sử nước mình. Tài nguyên giàu có, thị trường lớn... chỉ có con người, nguồn vốn và các cơ chế hỗ trợ của cộng đồng những người yêu phim để cho những con người đó có thể biến được những tài nguyên văn hóa thành những tác phẩm, những sản phẩm mang lại cả giá trị nghệ thuật cũng như kinh tế.

Thực hiện: Vân Anh-Văn Bảy-Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm