26/03/2012 14:47 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Luôn theo đuổi cho những hoài bão và tham vọng lớn lao, Quốc vương Hamad ben Khalifa al-Thani đã quyết định biến một quốc gia dầu lửa nhỏ bé như Qatar thành nhân tố chính trong thế kỷ 21. Thách thức không nhỏ, nhưng tới thời điểm này, tham vọng của quốc vương đã và đang đi đúng hướng.
Nhìn thoáng qua, không ai có thể nghĩ đó là hình ảnh của một nhà chinh phục lớn, tên gọi dành cho Quốc vương Hamad ben Khalifa al-Thani, người có nhiều nét nhang nhác giống cựu Tống thống Iraq Saddam Husssein. Ông chính là người có công biến Qatar, quốc gia dầu lửa có diện tích khiêm tốn ở vịnh Persique, thành một nước có tiếng nói trong thế giới Arập. Cuộc chinh phục bằng kinh tế cũng như chính trị cho thấy năng lực thích ứng của một chính trị gia đã học được cách thương lượng với Trung Đông cũng như với phương Tây.
Chiến dịch quảng cáo trên quy mô toàn thế giới
Tận dụng sự suy yếu ảnh hưởng của Arab Saudi, Qatar đã muốn vươn lên trở thành một trong những cường quốc trong khu vực. Trong nỗ lực thực hiện tham vọng này, Hamad ben Khalifa al-Thani đã tỏ ra chán nản với tốc độ chậm chạp của những cải cách của cha mình thực hiện. Năm 1995, ông thực hiện một cuộc đảo chính trong hoàng cung và lên nắm quyền thay cha.
Rất nhanh sau đó, tham vọng của vị quốc vương trẻ tuổi dần lộ diện trong con mắt của thế giới. Một năm sau khi lên nắm quyền, Hamad ben Khalifa al-Thani đã nhanh chóng xây dựng kênh truyền hình Al-Jazeera, nền tảng cho cường quốc truyền thông của Qatar tương lai.
Quốc vương Hamad ben Khalifa al-Thani, người đã biến Qatar thành quốc gia
có nhiều ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo
Được đào tạo bài bản ở Anh, Quốc vương Khalifa al-Thani tận dụng triệt để nguồn tài nguyên dầu lửa để tạo nên những chuyển biến sâu sắc trong đất nước. Ông cho xây dựng các cơ sở hạ tầng hiện đại, các trường học quy mô lớn và những câu lạc bộ thể thao.
Dưới sự chỉ đạo của ông, tiểu vương quốc ít được biết đến đã tung ra một chiến dịch quảng cáo siêu sang, trong đó có cảnh hàng loạt toà đại sứ tráng lệ nằm trên các đại lộ danh tiếng, mô tả Qatar là Mạnh thường quân về nghệ thuật, hoạt động từ thiện, thể thao. Vàng đen của Qatar liên tục chảy vào lĩnh vực quảng cáo và đỉnh cao của chiến dịch quan hệ công chúng trên phạm vi toàn cầu chính là sự kiện Qatar đăng cai tổ chức World Cup vào năm 2022.
Những chiến lược đầu tư khôn ngoan
Quốc vương Khalifa al-Thani hiện là yếu nhân số 1 của Qatar. Vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa đóng vai trò tổng giám đốc của đất nước, ông đã có cơ hội triển khai nhiều chương trình kinh tế tham vọng và thực hiện nhiều khoản đầu tư quy mô lớn. Ba năm trở lại đây, Qatar trở thành nhà đầu tư số 1 thế giới, thông qua Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority (QIA) và Qatar National Bank. Mỗi năm, Qatar chi khoảng 20- 30 tỷ USD cho các thương vụ làm ăn và tài sản của quốc gia nhỏ bé này rải rác trên toàn thế giới lên đến 210 tỷ USD trong năm 2012, trong đó có 135 tỷ USD thuộc QIA, theo các con số chính thức được công bố hồi cuối tháng 1/2012.
Qatar đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thời trang cao cấp đến bất động sản, từ ngân hàng đến xe hơi hay đất nông nghiệp. Ngoài việc sở hữu một số mỏ vàng của Hy Lạp, tham gia vào các tập đoàn lớn của thế giới như Porsche, Volkswagen và thành lập nhiều hãng hàng không, đất nước Qatar dưới sự chỉ đạo của ông còn thử thái độ của các ông chủ doanh nghiệp lớn ở Lục địa già bằng những khoản tiền trị giá hàng triệu USD.
Đó không phải chuyện ném tiền qua cửa sổ. Những tấm séc mệnh giá “khủng” có chữ ký của quốc vương Qatar - thực tế là các khoản đầu tư ra nước ngoài của quốc gia này - đủ sức để những chủ doanh nghiệp khó tính nhất cũng phải xiêu lòng. Tuy nhiên Qatar không đầu tư lan man và các khoản đầu tư đều được cân nhắc cực kỳ kỹ lưỡng, mang chiến lược lâu dài, bởi trong con mắt quốc vương, khả năng sinh lời của một thương vụ không phải dễ dàng nhận thấy trong ngày một ngày hai.
Nhận thức được đặc điểm không bền vững của nguồn tài nguyên khí đốt, Qatar đã cố gắng khai thác hiệu quả nhất nguồn tài nguyên này thông qua các khoản đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với Pháp. Theo thông tin mới được nhật báo kinh tế lớn của Pháp Les Echos tiết lộ ngày 14/02, Qatar đã trở thành cổ đông lớn thứ 3 nắm 2% cổ phiếu của tập đoàn khai thác khí đốt Total của Pháp, hiện đang được định giá hơn 130 tỉ USD.
Trước đó, Qatar đã mua lại câu lạc bộ Paris Saint-Germain năm 2011, mua khách sạn lớn Carlton ở Cannes, Royal Monceau ở Paris hay bản quyền truyền hình giải bóng đá Pháp của kênh Al-Jazeera Sports. Trong lĩnh vực công nghiệp, Qatar sở hữu 5,6 % vốn của tập đoàn xây dựng Vinci, 5 % của tập đoàn Veolia Environnement, 7,5 % vốn của nhà sản xuất hàng không EADS (tập đoàn mẹ của Airbus) và là cổ đông số 1 nắm 10,1 % cổ phiếu trong tập đoàn truyền thông của tỷ phú Lagardère.
Kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại
Tham vọng to lớn của Qatar luôn song hành cùng tham vọng của người đứng đầu đất nước. Để xúc tiến phát triển Qatar, Quốc vương Hamad al-Thani khôn khéo kết hợp những thái cực khác nhau.
Qatar là đồng minh với phong trào Những người anh em Hồi giáo, với phong trào Hamas của Palestine, nhưng vẫn có quan hệ tốt với Israel và là đồng minh của Mỹ. Qatar đã phát huy giá trị của những đồng tiền từ dầu lửa cũng như nguồn tài nguyên khí đốt của mình để nỗ lực duy trì tính trung lập trong hệ tư tưởng.
Được biết đến như là một quân vương theo đường lối cải cách tiến bộ, Quốc vương Hamad al-Tahni là người có công cho ra đời chế độ giáo dục miễn phí, triển khai hoạt động bảo hiểm xã hội, tạo thuận lợi cho tự do ngôn luận cũng như sự trỗi dậy của các phương tiện truyền thông mới mẻ. Nhưng ông vẫn duy trì các hình phạt truyền thống Hồi giáo và không bao giờ bãi bỏ chính thức án tử hình.
Đào Ngọc (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất