Cô đơn trên đường cao tốc

15/03/2012 15:27 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - Nghe dân tình phía Nam kêu rầm rĩ chuyện thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dân Hà Nội bỗng thấy mình sướng. Này nhé đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, ý quên, Đại lộ Thăng Long, hơn 30km đường đẹp nhất Việt Nam, hoàn thành từ Đại lễ ngàn năm Thăng Long tới nay vẫn chưa thấy thu phí, mà chắc cũng còn lâu mới thu phí khi chưa có dấu hiệu gì là sắp xây một cái trạm thu dọc đường cũ. Nhớ khi đạp “mát chân ga”, suốt nửa tiếng chạy xe chẳng phải tránh ai, cũng chẳng nhìn thấy xe cùng chiều hay ngược chiều (vì đường rộng quá), cũng chẳng thể tạt được vào hàng quán dọc đường, tôi bỗng nảy sinh một thứ xúc cảm khó tả gọi là “cô đơn trên đường cao tốc”. Tự dưng lại thèm thấy một cảnh quen thuộc là có một trạm thu phí chắn giữa đường, những chiếc xe ô tô xếp hàng dài chờ “xùy” tiền để được qua trạm. Như thế ít ra cũng nhìn thấy một gương mặt người (cho dù là gương mặt lạnh lùng vô cảm của anh thu phí), chắc chắn sẽ… tỉnh ngủ hơn. Đằng này…

Trong khi đó, cao tốc Trung Lương, thấy nói là “ế” vì đặt trạm thu phí và thu phí cao. Trong ngày thứ hai thu phí, lượng xe qua cao tốc này giảm gần nửa do nhiều phương tiện chuyển sang QL 1A để “né” đóng mức phí có thể lên tới 640.000 đồng. Như vậy quý vị nào không tiếc tiền để hưởng mặt đường êm ru trên tuyến cao tốc này, sẽ được khuyến mãi thêm sự thưa thớt vắng vẻ không thể ngờ và do đó sẽ được trải nghiệm cảm giác hết sức thời thượng là “cô đơn trên đường cao tốc”. Cảnh đó tương phản với tuyến QL 1A đoạn qua Tiền Giang, khi bao nhiêu xe “né phí” đều chạy hết vào đây, dẫn đến chen chúc quá tải. Âu cũng là một sự phân hóa tự nhiên giữa đường cao cấp với đường bình dân. Chuyện này xưa đã thế. Chẳng hạn đường cái quan là dành cho các “quan lớn” cưỡi ngựa, đi xe, dân đen thò chân vào sẽ bị các vị sẽ quất cho mấy roi ngựa. Nói chung dân đen hồi đó đi lại đơn giản, cứ bờ ruộng, bờ mương mà đi.

Biển số chỉ có ở Việt Nam

Nhiều người nghĩ đường sá đi lại nên có sự phân hạng. Đường đẹp, đường tốt thì dành cho người nhiều tiền, hoặc dám chi tiền. Bằng không hãy cứ đường đất, bờ ruộng, rẽ cây, rẽ cỏ, đạp ổ trâu, ổ gà mà đi, hoặc sử dụng các con đường “quá đát” mà nhà thầu từ thời Pháp thuộc chắc chẳng còn nhớ mà sang đòi thu phí để hoàn vốn nữa. Như thế há chẳng phải là rất công bằng hay sao? Vì thế, khi Hiệp hội Vận tải TP.HCM đề nghị giảm phí 50% trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, người ta cho rằng không “fair-play” lắm. Nhà thầu thu phí chắc gì đã chịu, bởi theo tính toán của tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, mức thu phí loại “ngoại hạng” này vẫn không đủ bù đắp các khoản chi phí đã đầu tư.

Nhân thế tôi nghĩ tiến tới, xã hội cực đỉnh văn minh, thì việc sử dụng đường sá cũng như mua món hàng, có lẽ hoàn toàn theo giá thỏa thuận: Phí ngần ấy, niêm yết giá đàng hoàng, ai thích thì đi, không thích thì xin mời vòng ra đường khác! Giá phí đường cũng lên xuống theo thị trường, dịp lễ Tết, giáp hạt, hay giờ thấp điểm (12h đêm chẳng hạn) thì giảm giá 50% phần trăm (khuyến mãi một lần vá lốp, chẳng hạn thế).

Từ ngày có kinh tế thị trường, nhất là từ khi có cái gọi là đầu tư BOT, người ta đã quen với việc đã sử dụng hạ tầng là phải trả phí. Trước đây chỉ là có Nhà nước làm. Nay có Nhà nước và nhân dân (bao gồm cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước) cùng làm, nên tất nhiên họ cũng không thể làm không công.

Tôi nhớ một trong những người đầu tiên áp dụng hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm đường” trên QL quê tôi là một bà già. Bà già ấy có lẽ là người áp dụng hình thức đầu tư BOT một cách sơ khai và đẹp đẽ nhất. Đường về quê tôi hồi ấy là một QL cổ kính từ thời Pháp thuộc, suốt 50 cây số chỗ hai bên đường trồng toàn xà cừ, những gốc cây có tuổi xấp xỉ trăm năm, trùm bóng lên con đường. Không thẳng tắp vô cảm như các con đường cao tốc ngày nay, con đường này nương theo “thế núi hình sông”, loằng ngoằng vòng vo đến phát mệt. Bà già BOT của những năm 1990 ấy hẳn là người đầu tiên nhận thấy cái đoạn ngoằn ngoèo qua làng bà, dài đến 5 cây số, thực chất lại chỉ đi được khoảng nửa cây số theo đường chim bay. Có một con đường tắt có thể rút ngắn đoạn ấy, nối qua một đầm lầy vốn là con đường của trâu bò và của những người nông dân.

Thế là mỗi ngày một tí, như con kiến, bà cơi nới, đổ đất, lát ván và cuối cùng là bắc một cái cầu nho nhỏ. Thế là thành con đường tuyệt vời giữa thiên nhiên. Ban đầu con đường chỉ thu hút những người trẻ lãng mạn hoặc những người già yếu phải đạp xe, sau thì năm này qua năm khác, con đường tắt ngày càng hoàn thiện, mặt đường cũng đỡ khấp khểnh, vì người đi mòn cả đá, cả gạch mà. Giao thông đi lại càng nhộn nhịp hơn. Cung đường chính bỗng thành vắng vẻ.

Với hình thức BOT sơ khai, trên con đường tắt, bà cụ đặt một cái ghế đẩu để thu tiền từng xe qua lại. Mỗi người mấy hào bạc lẻ, không ai than phiền gì cả. Thu phí cả ngày cũng phải có chỗ trú mưa nắng, thế là bà lập ra cái chòi, để canh. Ban đêm chòi có một cái đèn bão để vừa soi tiền khi thu phí vừa tránh cho hành khách khỏi lao xe xuống đầm.

Thế rồi nghe nói cái trạm thu phí của bà bị phạm luật vì khi giở luật ra thì mới thấy các loại phí bét nhất cũng phải do chủ tịch tỉnh ban hành. Việc tự biên tự diễn dưới hình thức BOT như bà, tất nhiên chẳng được phép của ai, lại chẳng có biên lai, hóa đơn gì gì đó theo quy định của Bộ Tài chính.

Việc thu phí ấy cứ cãi nhau lằng nhằng mãi. Tôi cũng không biết hạ hồi phân giải ra sao. Chỉ biết rằng, giờ đây QL về quê tôi đã được nâng cấp, con đường tắt BOT của bà cụ đã thay thế bằng một cái cầu khổng lồ 4 làn xe, mát chân ga chạy vút một cái là qua đầm, nhanh đến nỗi lần nào tôi cũng ngó xuống nhìn nhưng không thể nhận ra đâu con đường tắt cũ với cái lều thu phí của bà già. Nếu có còn thì cũng chẳng ai đi nữa.

Xét cho cùng, nếu coi đường sá là một thứ dịch vụ thì cũng có vẻ có lý, kể cả nó là BOT hay là Nhà nước bỏ tiền đầu tư. Nhưng thứ dịch vụ đó không chỉ đơn thuần là tiền trao cháo múc. Đúng như phát biểu của TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam trên một tờ báo rằng: “Đường cao tốc Trung Lương là công trình quốc gia, được đầu tư với số vốn lớn nhằm tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực Nam bộ. Hiệu quả kinh tế - xã hội của con đường này phải tính bằng sự tăng trưởng GDP của cả vùng chứ không phải tính bằng số tiền thu phí”.

Và hơn nữa, nếu coi đường cao tốc thuần túy là một thứ dịch vụ, thì nó phải đem lại sự hài lòng cho mọi người (kể cả khi đắt thì cũng khiến người ta nghĩ “đắt xắt ra miếng”). Đằng này “dịch vụ” cao tốc TP.HCM - Trung Lương lại khiến xe cộ né tránh, chấp nhận đi đường xấu, đường vòng; còn dư luận thì phản đối ầm ĩ. Xét tính văn minh trong kinh doanh thì con đường này còn kém xa con đường tắt của bà già BOT quê tôi, khi mà mức phí do bà đưa ra, dù bất hợp pháp, nhưng đều khiến mọi người hài lòng, thậm chí biếu thêm tiền khi thấy con đường bà làm ra bằng mồ hôi công sức thực sự là tiện lợi cho tất cả.

Nguyễn Mỹ

>> Bài viết này nằm trong chuyên đề Lối sống đô thị, hi vọng bạn đọc sẽ tìm thấy nhiều đồng cảm thú vị.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm