20/07/2011 09:12 GMT+7 | Giáo dục
(TT&VH) - 1. Hà Nội là trung tâm giáo dục của cả nước hẳn ai cũng công nhận. Đây là nơi tập trung nhiều trường học bậc nhất nước ta. Nhưng sự tập trung này đang có vẻ khập khiễng, nhiều trường ĐH trong khi quá ít trường mầm non, trường tiểu học. Vì thế mới có chuyện phụ huynh xếp hàng thâu đêm suốt sáng để xin cho con đi học vào lớp mẫu giáo.
Tại kỳ họp HĐND vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thừa nhận, những năm qua, hàng trăm khu đô thị, hàng nghìn tòa chung cư cao tầng mọc lên, nhưng rất ít các trường mầm non được xây dựng, thậm chí ở nhiều phường nội thành chưa có trường mầm non nào. Việc xếp hàng suốt đêm mong mua được đơn xin học cho con vào trường mầm non công lập đã trở thành chuyện... quá cũ, kéo theo đó là sự mệt mỏi và thất vọng của người dân.
Cảnh xếp hàng thâu đêm xin học cho con tại một số trường mầm non Hà Nội.
- Nguồn: Internet
Trong khi đó, sự chật chội cũng khiến cho các trường đại học trên địa bàn TP cũng không “thoải mái” gì. Mật độ sinh viên đông tập trung trong nội đô tạo sức ép lớn đối với giao thông, nhà ở, hạ tầng... Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, từ nay đến 2025 cả khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM sẽ giảm quy mô đào tạo sinh viên xuống tương đương với những năm giữa thập niên 70, theo đó, khoảng 2/3 số trường ĐH sẽ di dời.
2. Theo dự báo, quy mô dân số Hà Nội đến năm 2020 là 7,4 triệu người, năm 2030 là 9,5 triệu người. Với yêu cầu diện tích tối thiểu là 8m2/học sinh nội thành và ngoại thành là 15 m2/học sinh thì từ nay đến năm 2030 toàn thành phố cần xây dựng thêm gần 1.600 trường từ mầm non đến THPT.
Trong khi đó, hành trình di dời của các trường Đại học cũng rất khó khăn. Việc Nhà nước đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để mua đất, xây trường ở nơi mới là rất khó. Hướng giải quyết mà các trường hướng tới sẽ là hóa giá đất vốn có trong nội thành để tạo nguồn vốn đầu tư ở khu mới. Những mảnh đất “vàng” trong nội thành cũng đã nhận được nhiều đề nghị đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Doanh nghiệp sẽ sở hữu diện tích đất và đổi lại, họ sẽ xây dựng toàn bộ hạ tầng cơ sở cho nhà trường ở địa điểm mới. Nhưng liệu những khu đất vàng có mọc lên những trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư chật nêm người. Và rồi, sức ép đối với ngành giáo dục tại chỗ của Thủ đô, với các cấp học có giảm đi?
Thiết nghĩ, nên chăng lúc này, Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT và TP.Hà Nội cần ngồi lại với nhau, tìm giải pháp để “chuyển hóa” các trường Đại học trong nội đô thành những cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học của Hà Nội. Như thế, sức ép với Thủ đô sẽ được giảm tải 2 lần.
Tất nhiên, đó mới chỉ là ý tưởng. Còn giải pháp “chuyển hóa” cụ thể thế nào thì tất cả các bên còn phải ngồi lại tính toán. Song có một điều chắc chắn rằng việc các anh chị sinh viên rời nội thành, “nhường đất, nhường trường” cho các em mầm non, tiểu học sẽ là điều hợp lẽ tự nhiên và hợp lòng người dân. Đất và trường của ngành giáo dục lại trả cho ngành giáo dục. Và hơn thế nữa, tôi cứ nghĩ, trong mỗi một gia đình, ngôi trường phục vụ các anh chị lớp trước, giờ lại phục vụ cho lớp lớp đàn em theo sau thì có thiệt đi đâu?
Nguyễn Gia
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất