Biên kịch Thu Phương: Buồn vì không sống được với nghề

10/12/2011 14:24 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM) vừa dựng vở Tốt - xấu - giả - thật của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương. Vở kịch này đánh dấu sự trở lại của chị sau nhiều năm vắng bóng.

Nguyễn Thu Phương - người đẹp viết văn được khá nhiều đồng nghiệp nam ngưỡng mộ tài, sắc. Trước năm 2006, ngoài sáng tác truyện, chị còn là cây bút kịch bản tạo được nhiều dấu ấn. Chị có cuộc trò chuyện với TT&VH.

Nguyễn Thu Phương

Mang ơn đạo diễn

* Là nhà văn, chị có nhiều tác phẩm văn học có thể chuyển thể thành kịch bản, sao chị lại chọn tiểu phẩm Kẻ trộm đêm giao thừa để chuyển thề thành Tốt - xấu - giả - thật?

- Nghề sân khấu phải nói là tùy duyên, nôm na gọi “tổ đãi”. Sau thành công của kịch bản Nhà có ba chị em (ĐD: NSND Xuân Huyền) dựng ở Đoàn Kịch 1 - Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội từ năm 2004, rồi tiếp theo là kịch Tao Đàn, kịch 5B, hai bản dựng được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và HTV9. Kịch bàn này còn dựng thành phim truyện (đạo diễn Đỗ Thanh Hải) được Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2006 và giải Cánh Diều Vàng.

Từ năm 2006 đến nay, vì nhiều lý do tôi đã xa rời sân khấu.

Cách đây 5 tháng, đạo diễn NSƯT Anh Tú đã ân cần “kéo” tôi trở lại bằng kịch bản Nhà có năm anh em trên sân khấu Đoàn Kịch 1 - Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội, đó vốn là kịch bản được chuyển thể từ truyện ngắn Không có vua của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng để thực sự gọi là tôi quay về với sân khấu thì bắt đầu từ cú điện thoại đặt hàng vào tháng 7/2011 của diễn viên Mỹ Uyên để tham dự Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc 2011, và quyết định mời tôi với kịch bản Tốt - xấu - giả - thật.

* Có ý kiến cho rằng, đạo diễn Tốt - xấu - giả  -thật can thiệp quá nhiều vào kịch bản của chị. Theo chị, mình đóng góp bao nhiêu phần trăm trong vở kịch này?

- Tôi không “định giá” được là bao nhiêu phần trăm. Cảm giác của tôi là hạnh phúc khi kịch bản của mình tìm được rất nhiều sự đồng cảm. Có lẽ vấn đề tốt - xấu, giả - thật trong cuộc đời này là nỗi niềm bức xúc không chỉ của riêng tôi, nên chỉ cần có người đứng ra trước “cầm con dao giải phẫu” cứa ngay nỗi niềm thì ai cũng hào hứng để thêm vào tiếng nói chung bằng bao nhiêu yêu, ghét… trong góc nhìn của chính họ. Đạo diễn vở là NSƯT Trần Minh Ngọc, là người đã “phát hiện” và rất thích chùm kịch bản hài được giải trước đây của tôi, từng dựng thành công Kẻ trộm đêm giao thừa. Nên nay, việc đạo diễn tiếp tục tìm đúng chìa khóa để “mở” kịch bản, tôi mang ơn thì đúng hơn gọi là bị “can thiệp”.


NSƯT Việt Anh và Mỹ Uyên trong Tốt - xấu - giả thật

Kịch bản sân khấu: “làm cho vui thôi”

* Nhiều người nói năm 2005, chị đã mua được xe hơi là nhờ nhuận bút kịch bản sân khấu? Với điều kiện sân khấu như hiện nay, nhà biên kịch có sống được khi chuyên tâm làm nghề không?

- Trời đất, mua được xe hơi năm đó là do cày đủ thứ chứ đâu chỉ viết kịch bản, mà tôi cũng “cổ phần” với ông xã chứ mình tôi làm sao đủ. Viết kịch bản phim truyền hình, vài chục tập phim có mấy trăm triệu nghe rất ham, nhưng bạn phải có tay nghề cao, vốn sống rất đầy, trải nghiệm rất sâu, nạp vào mình đủ thứ kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết, và tích lũy cảm xúc… thì mới mong có chất để mà rút ra “xài hao”, “sống thay” cho bao nhiêu nhân vật.

Tôi thấy biên kịch nào mà “đẻ” cỡ chừng 3 kịch bản phim truyền hình trở lên trong 1 năm thì ít nhiều cũng bị lặp lại, như “con rắn tự ăn vào đuôi”. Nên tôi chọn cách vừa làm vừa “sạc pin”, không dám “đẻ sòn sòn” cho dù “đắt sô” đến đâu. Còn vế sau câu hỏi của bạn, nếu “sống được” là sống như khi lĩnh lương từ việc viết và biên tập kịch bản phim truyền hình cộng tất cả các nhuận bút khác - thì tôi xin nói thẳng là viết kịch bản sân khấu hầu hết tôi chỉ làm “cho vui” thôi.

* Theo chị, việc “sống lâu” hay “chết mau” của một vở kịch phụ thuộc vào những yếu tố cơ bản nào?

- Hôm nọ ngồi với các diễn viên Thanh Hoàng, Việt Anh, Công Ninh… tôi mới biết vở kịch Dạ cổ hoài lang ở 5B đã có “tuổi thọ” lên đến 17 năm. Trong khi một vở kịch sáng đèn trên sân khấu TP.HCM hiện nay, trung bình trụ được đến tháng thứ 3 mà vẫn còn ăn khách thì đơn vị sản xuất đã cho là “gỡ dư vốn”. Một vở “sống lâu” hay “chết mau” có rất nhiều lý do, kịch bản hấp dẫn, đạo diễn chắc tay, tên tuổi dàn diễn viên có nhiều sao không, thời điểm ra vở, dư luận báo chí, truyền hình đưa tin… và quan trọng nhất là nhu cầu khán giả. Chẳng hạn như “mốt” đi xem kịch hài, kịch kinh dị… đã đưa một số vở gần đây của sân khấu TP.HCM lên mức sáng đèn hơn 300 đêm diễn.

* Khán giả đi xem kịch vì diễn viên ngôi sao nào sẽ xuất hiện, chứ họ ít quan tâm đến đạo diễn, biên kịch là ai. Điều này có làm người viết kịch bản thấy “buồn” hay không?

- Bạn nói không sai, thời gian làm sân khấu kịch Tao Đàn đã cho tôi bài học kinh nghiệm rất “xương máu” về điều này. Những đêm “bám trụ” ở phòng vé để theo dõi thực tế, tôi thường nghe khán giả hỏi đi hỏi lại chỉ một câu “vở này có sao nào diễn?” trước khi quyết định bỏ ra mấy chục ngàn đồng để mua vé.

Đến nay, sau bằng ấy năm mang vào thân cái nghiệp khuất-sau-cánh-gà, thì tôi đã không còn thấy điều ấy là quan trọng. Buồn nhất chính là khi lòng vẫn còn yêu nhưng không thể chuyên tâm, không thể chỉ chăm chú cho sân khấu - vì không sống được với nghề.

Thanh Kiều (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm