Chris De Burgh và mối tình với quý bà mặc váy đỏ

05/01/2012 07:41 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Họ đã bên nhau hơn 30 năm và đến bây giờ vẫn không rời. Ở giữa họ là một bài hát bất hủ, The Lady in red. Nhưng mấy ai biết người được xưng tụng trong bài hát đã thề từ đó về sau sẽ không bao giờ mặc một bộ quần áo nào màu đỏ nữa.

“Quý ngài phóng túng”

Đó là nghệ danh ăn chơi của Christopher John De Burgh Davison, người sau này được những người yêu nhạc trên toàn thế giới biết đến dưới cái tên, Chris De Burgh. Nhưng Chris, trước khi trở thành một gã ca sĩ hát tình ca thuộc hàng số má thì chỉ là một gã trai lêu lổng, ăn chơi và “sát” gái có hạng. Bố người Anh, mẹ người Ai-len nhưng Chris sinh ở Buenos Aires (Argentina) vào năm 1948 và cả tuổi thơ rong ruổi qua nhiều quốc gia do công việc hay luân chuyển của gia đình. Năm 1960, gia đình Chris chuyển về định cư ở Ai-len, cha Chris mua một tòa lâu đài cổ có tên Bargy và cải tạo nó thành một khách sạn sang trọng. Cậu bé Chris khi ấy, ngoài việc học cũng phải làm thêm vài việc vặt trong khách sạn của gia đình, lâu lâu cũng lên hát góp vui. Chris hát rất hay, cho dù tỏ ý không muốn con mình theo hát nhưng bố mẹ cậu cũng chẳng cấm cản nếu Chris đi theo nghiệp cầm ca.

Sau hơn 30 năm, Chirs De Burgh vẫn hạnh phúc bên người vợ Diane

Gia đình có điều kiện, hát hay, “miệng lưỡi” nên cho dù bề ngoài không hút mắt cho lắm nhưng Chris vẫn bị gái mê như điếu đổ. Trong đám bạn bè ngày ấy, Chris là tay đào hoa nhất và không thiếu những người ganh tỵ. Mối tình đầu tiên của Chris là với một cô gái… đứng đường. “Lúc ấy tôi đang ở Pháp, 16 tuổi và hát trong một quán cà phê và rồi tôi gặp cô ấy. Mối tình ấy chẳng đi đến đâu nhưng nó cho tôi một trải nghiệm quý giá rằng đàn bà luôn là bạn tốt nhất của đàn ông”, Chris kể lại trong cuốn hồi ký của mình.

Rất tôn trọng phụ nữ, Chris luôn dành cho họ những tình cảm đẹp đẽ “con đường duy nhất đi vào trái tim họ là bạn phải có một tình cảm chân thành” và cho dù đi qua những cuộc tình ngắn hay dài, chưa ai một lần kể xấu về Chris. Sau này, khi nhận xét về các ca khúc của Chris De Burgh, nhiều nhà phê bình đã phân tích rằng “sở dĩ Chris được xem là hoàng tử tình ca, là quý ông lãng mạn là do bởi anh ta đã nói được rất nhiều thứ mà phụ nữ muốn nghe nhưng người đàn ông của họ lại không nói ra được”.

Phụ nữ yêu Chris, có người còn mua vé máy bay cho anh bay sang Anh mỗi tuần một lần chỉ để gặp nhau và nói chuyện. Chris chưa từng từ chối một ai và anh nghĩ rằng cuộc đời mình như thế là đã quá hạnh phúc, anh chẳng muốn kết nối lâu dài với một ai.

Và rồi cho đến một ngày, trong một hội quán ở Dublin (Ai-len), Chris gặp Diane, một người phụ nữ đã thay đổi cuộc đời anh. Nhưng vào thời điểm ấy (1974), Diane đang thuộc về một người đàn ông khác.

The lady in red

Năm 1974 Chris lúc này đã là một ca sĩ với nghệ danh Chris De Burgh, anh đã bỏ mộng làm nhân viên ngân hàng mà cha mẹ mong muốn để đi hát. Chris đã ký hợp đồng với hãng đĩa A&M (1974) và ra album đầu tay nhưng không mấy thành công.

Thời kỳ này danh tiếng Chris chưa lên tới đỉnh cao nhưng những vụ án tình thì không kể xiết. Tuy nhiên, ngã rẽ cuộc đời Chris bắt đầu thay đổi khi anh trông thấy Diane trong một tửu quán khi cô đi chung với vợ chồng người bạn thân của anh. “Cô ấy mặc chiếc đầm đỏ không thể đẹp hơn, tôi như thể nín thở khi trông thấy cô ấy, chỉ thấy hơi hụt hẫng một chút khi người bạn nháy mắt ra hiệu rằng cô ấy đã là hoa có chủ”, Chris nhớ lại. Nhưng cảm giác về chiếc váy đỏ cùng người con gái tóc vàng, mắt xanh biếc đại dương không làm Chris De Burgh thôi nhung nhớ.

 


Album Into The light với bản hit, The Lady in red đã đưa Chris De Burgh trở thành ngôi sao ca nhạc vào năm 1986

 

Ba năm sau, 1977, lúc này Chris được mời đi hát lót cho nhóm Supertrap trong tour diễn ra mắt album Crime Of The Century và cũng lúc này Diane đã chia tay người bạn trai cũ. “Tôi biết rằng cơ hội của mình đã đến và tôi có nói với Diane rằng tôi sẽ không bao giờ để em ra đi”. Đáp lại là một nụ cười của Diane, họ đã bắt đầu hẹn hò và chính thức yêu nhau. “Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác dắt Diane theo tôi trong những chuyến lưu diễn cùng Supertramp, không ai tin cái thằng nhìn quê mùa ấy lại có một cô bạn gái xinh đến vậy, lúc ấy Diane hay mặc chiếc quần xanh đính hạt bạc, nhìn cứ như những đồng đô-la lấp lánh, ai nhìn cũng thích”, Chris hồi tưởng.

Và rồi một ngày đẹp trời, trong một quán cà phê nhỏ ở Dublin, Chris đã ngỏ lời cầu hôn Diane. “Anh ấy nói bây giờ anh ấy chưa có gì nhưng nếu có tôi bên cạnh anh ấy sẽ làm được bất cứ điều gì khó nhất trên đời”, Diane trải lòng. Họ cưới nhau vào năm 1977, chàng làm ca sĩ, nàng đi làm kiếm thêm và thực tế những gì chàng kiếm được không bằng một góc những gì Diane đã làm ra.

Cuộc sống khó khăn khiến họ cảm nhận rõ rệt hạnh phúc. Diane vẫn thường khóc khi lái xe đưa Chris ra sân bay đi lưu diễn, “tôi buồn vì chẳng biết khi nào Chris mới về nhưng vì sự nghiệp của anh ấy tôi sẵn sàng hy sinh”. Có lần Chris De Burgh bay sang London (Anh) thu album mới, Diane ở nhà ốm và phải vào bệnh viện gấp. Chris chỉ bay về được một ngày hôm sau lại phải bay sang Anh vì không thể thay đổi lịch, “đến giờ nghĩ lại nếu lúc đó cô ấy mà không qua khỏi thì tôi sẽ thế nào. Vậy mà lúc ấy Diane vẫn động viên tôi phải hoàn thành album vì tương lai thành công của tôi đang đến rất gần”.

Và đúng 12 năm sau, sau 7 album khá trầy trật, năm 1986 Chris De Burgh tung ra album thứ 8, Into The Light và thành công rực rỡ. Người ta nhớ nhiều nhất trong album này là ca khúc Say Goodbye To it All, For Rosanna (viết tặng cô con gái 2 tuổi Rosanna Davison) và đặc biệt là ca khúc The Lady in red.

The Lady in red được viết trong 20 phút và chỉnh sửa hết… 6 tháng. Lúc đầu Chris định đặt tên là The Way You Look Tonight nhưng rồi phát hiện ra tựa đề này đã từng được nhạc sĩ khác sử dụng nên cuối cùng anh đặt thành The Lady in Red. Hình mẫu The Lady in red không ai khác chính là Diane Davison và câu hát cuối cùng “The way you look tonight” là nhắc nhở lại kỷ niệm đầu tiên khi Chirs gặp Diane trong chiếc áo đầm đỏ quyến rũ với mái tóc vàng xõa ngang vai.

Bài hát đong đầy sự tha thiết, yêu dấu, Chris hát nhẹ hơi thở, như thể trần tình những tội lỗi mà anh mắc phải nhưng không điều gì làm anh thôi ngừng yêu Diane. “Khi tôi hát bài này tôi biết nó sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người bởi ngay cả bản thân tôi những gì chứa đựng trong đó đều là tình cảm chân thành nhất dành cho Diane”. Ca khúc này leo lên vị trí quán quân tại Anh, Ai-len, Na Uy và đứng hạng 3 ở Mỹ và sau đó đưa Chris De Burgh trở thành một ngôi sao ca nhạc được yêu mến nhất. Chirs đã nói thay những người đàn ông không biết ngỏ lời với người yêu những tình cảm mà họ không thể chuyển tải hết. “Những gã đàn ông là chúa vô tình, họ thậm chí chẳng thèm nhớ xem bạn gái mình đã mặc đồ gì trong lần gặp mặt đầu tiên, thì đây, tôi muốn nói hộ họ điều ấy”. Phụ nữ yêu bài hát này và họ đặt cho anh là Quý ngài lãng mạn và sau đó tất cả những bản tình ca của Chris đều được đón nhận nồng nhiệt. Công nương Diana từng một thời rất thích bài hát này, cô thậm chí từng đi nghe Chris hát và sau đó đã tới hậu trường và ngỏ lời cảm ơn Chris vì The Lady in red. Sau này người ta để ý thấy rằng Công nương Diana rất thích mặc đầm đỏ và như thể bài hát ấy cũng được viết tặng riêng cho cô ấy vậy. Sau khi Công nương Diana qua đời, Chris De Burgh cũng sáng tác một bài hát hết sức tình cảm dành tặng cô, There’s a new star up in Heaven Tonight. Trong danh sách những chính trị gia mê Chris De Burgh còn có cả cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl và cựu Tổng thống Nga, Boris Yeltsin.

The Lady in Red đã đưa Chris lên đỉnh cao danh vọng và từ đó anh được xưng tụng như người hát tình ca hay nhất. Thế nhưng, người được xưng tụng trong bài lại hoàn toàn có phản ứng trái ngược.

Vợ chồng Chris De Burgh và cô con gái hoa hậu Rosanna Davison

Không quan tâm

Khi hàng triệu người muốn trở thành nguyên mẫu của The Lady In Red thì nguyên mẫu của nó lại tỏ ra khá bình thản. “Bài hát này đem lại cho tôi nhiều niềm vui nhưng sự đau khổ cũng ngang ngửa thế”, Diane bộc bạch trong một lần trả lời phỏng vấn độc quyền cho tờ Mirror vào năm 1996. “Bất cứ ai cũng có thể gọi anh ấy là một người lãng mạn, điều đó cũng đúng, nhưng nếu thử một lần sống chung họ sẽ hiểu ra vấn đề”. Vấn đề ở đây là từ khi nổi tiếng, Chris đã trở thành người của công chúng, anh xa nhà liên tục và Diane trở thành “cha” của cả 3 đứa con chung. “Nổi tiếng thì cũng là con người, từ khi bài hát ấy ra đời thì tôi thề là sẽ không bao giờ mặc quần áo màu đỏ nữa bởi tôi không muốn mình trở thành tâm điểm của sự chú ý”, Diane cho biết. Diane vẫn lặng lẽ ở phía sau, không quan tâm tới hình tượng “ngôi sao ca nhạc” của Chris, cô vun tay chăm gia đình và chính điều này đã làm Chris chưa bao giờ ngừng yêu cô.

Đến bây giờ nhớ lại, Diane cho rằng đó là một hành động đúng của cô. Với Diane, Chris đơn giản là một người chồng và chấm hết, mỹ từ “ngôi sao ca nhạc” thuộc về phạm vi điều chỉnh của công chúng. Chính vì có những suy nghĩ hết sức chín chắn như trên nên vào năm 1994, khi Chris phạm một tội lỗi cực kỳ nghiêm trọng là léng phéng với cô giúp việc, trong khi Diane đang phải nhập viện vì gãy lưng trong một lần cưỡi ngựa, Diane đã tha thứ cho chồng. Cô hiểu rằng sau ánh hào quang của chồng mình là còn cả một sự chào đón trở về từ gia đình. “Nhiều đêm tôi đã nằm khóc, không phải vì scandal do tôi tạo ra mà tôi nghĩ đến lũ trẻ sẽ như thế nào nếu không có mẹ chúng trên đời. Vì thế lúc nào tôi cũng trở về, chẳng ai trên đời hơn được Diane”, Chris khẳng định.

Chris tự hào vì có Diane và cả cô con gái đầu lòng, Rosanna Davison. Năm 2003, Rosanna đoạt giải Hoa hậu Hoàn vũ thế giới và ngay trong đêm đăng quang của mình, Rosanna đã mặc chiếc váy màu đỏ quyến rũ, y hệt như mẹ cô gần 30 năm trước. Thêm một điều lạ là cả nhà Chris đều hâm mộ cuồng nhiệt câu lạc bộ Liverpool và ai cũng biết màu áo truyền thống của họ, màu đỏ huyền thoại.

Nghe ca khúc The Lady in red:


Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm