07/11/2011 06:57 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Thêm một giải thưởng âm nhạc đang được khởi động trên kênh MTV Việt Nam - Giải thưởng Video âm nhạc Việt - Vietnam Music Video Competition (VMVC) và sẽ chính thức trao giải vào đầu năm 2012. Trong không khí “ủ ê” của các giải thưởng âm nhạc, liệu giải thưởng music video (MV) nhạc Việt lần nữa được khuấy lên (sau cái chấm hết của VTV - Bài hát tôi yêu) có đáng được quan tâm?
Bàn tròn âm nhạc lần này của TT&VH Cuối tuần có 3 vị khách mời: Nhà báo Hữu Trịnh, nhạc sĩ Quốc Bảo và Trí Quyền, Phó giám đốc kênh MTV Việt Nam.
* Sau gần 10 năm thì vai trò của những MV Việt Nam đang thật sự quay lại, theo các anh thì nó có tạo lại được sinh khí như ngày xưa hay không?
Nhạc sĩ Quốc Bảo (Q.B): Theo tôi, về nguyên tắc thì MV không phải là thị trường và nó cũng không tạo ra thị trường. MV chỉ là một trong những phương án nằm trong kế hoạch tiếp thị của các nghệ sĩ, là thứ cho không. Ở mức độ tinh khiết nhất thì MV tạo nên fan cho các ca sĩ.
Nhà báo Hữu Trịnh (H.T): Khi MTV Việt Nam khởi động cuộc thi VMVC, tôi cảm tưởng rằng MTV đang huy động một lực lượng rất tinh nhuệ của làng ca nhạc Việt Nam, từ ca sĩ nổi tiếng đến nhạc sĩ nổi tiếng rồi quay phim cũng nổi tiếng. Nhưng tôi cũng có một câu hỏi tương tự, rằng liệu sự xuất hiện đông đảo như vậy có tạo được một sinh khí mới cho làng nhạc Việt hay không.
Từ trái sang: Nhạc sĩ Quốc Bảo, nhà báo Hữu Trịnh, PGĐ kênh MTV Việt Nam Trí Quyền
* Kế hoạch đầu tư về tài chính mà MTV dành cho các video hiện nay như thế nào?
Trí Quyền (T.Q): MTV sẽ cung cấp 40 triệu đồng/clip cho các nghệ sĩ và các nghệ sĩ đầu tư vào clip của mình như thế nào là tùy họ. Ví dụ như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đầu tư khoảng 600 triệu cho clip của mình. Nhưng bên cạnh đó cũng có những nghệ sĩ không đầu tư nhiều tiền, họ đi theo cách của mình và vừa vặn với số tiền mà MTV tài trợ.
Q.B: Theo tôi biết thì thời VTV - Bài hát tôi yêu thì mỗi clip được hỗ trợ 25 triệu đồng và bấy nhiêu cũng không thể đủ. Tôi nhớ đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thời đó có làm một số clip, trung bình tốn cỡ 40 triệu, có nghĩa là vượt khung. Thời điểm 25 triệu của 10 năm trước khác rất nhiều với 40 triệu hiện nay vì thời giá đã thay đổi. Hiện nay, trừ khi anh em nói với nhau rằng thời buổi khó khăn kinh tế và hạ giá xuống thì mới có thể chấp nhận được chứ tính kiểu dịch vụ theo giá vàng thì không làm được đâu.
* Chỉ với 24 ca sĩ được đầu tư thực hiện clip để tham gia giải thưởng. Như vậy có phải là quá hạn chế và thiếu công bằng cho một giải thưởng không?
T.Q: Trong năm đầu tiên, hai nhà sản xuất âm nhạc mà MTV chọn là nhạc sĩ Quốc Trung và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đưa ra danh sách 24 nghệ sĩ để đầu tư thực hiện và phát sóng 24 clip. Vì nếu mở rộng ra thêm cũng chưa đủ khả năng để bao quát hết. Thời hạn từ tháng 10 cho tới đầu năm sau vừa đủ để phát 24 clip này với mật độ phủ sóng trên kênh theo yêu cầu của MTV châu Á.
Q.B: Nếu vậy thì tôi nghĩ rằng trong phạm vi của 24 clip, giải thưởng là chuyện chào sân của MTV Việt Nam và mang tính quảng bá cho MTV Việt Nam hơn là mang tính cổ súy cho âm nhạc Việt Nam vì giải thưởng này vẫn ở phạm vi “đóng” chứ chưa “mở”.
* Để được tham gia VMVC, có cần phải đạt những chuẩn gì của MTV Việt Nam?
T.Q: Thông thường, khi đã có sẵn clip, MTV chỉ việc phát và bầu chọn. Nhưng ở Việt Nam thì thị trường MV “lượng nhiều mà chất ít”, nếu theo hướng đó sẽ không ổn nên MTV Việt Nam quyết định hỗ trợ nghệ sĩ số tiền như vậy để khi họ làm các MV thì sẽ thực hiện theo tiêu chuẩn của MTV. Chúng tôi mong muốn giải thưởng này là một niềm hứng khởi mới đồng thời tạo được thái độ nghiêm túc của các nghệ sĩ trong việc thực hiện MV.
Q.B: Cách đây khoảng 10 năm thì MTV châu Á cũng đã từng trao đổi với tôi về chất lượng để phát trên chương trình này và tiêu chuẩn của họ rất phức tạp. Tôi nhớ lúc ấy, chỗ hãng phim Trẻ của chị Kim Phương có quay rất nhiều MV trong chương trình Những năm tháng mộng mơ với dàn đạo diễn khá lừng danh nhưng rồi cũng không đủ tiêu chuẩn để lên MTV.
Thanh Bùi và Hồ Ngọc Hà trong MV Một phút giây khác tham dự VMVC trên kênh MTV
H.T: Nói một cách công bằng, đây là chương trình của một công ty và được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sinh hoạt âm nhạc và có những tác động tích cực. Theo tôi, nếu muốn khuấy động thị trường để mọi người tham gia thì ngoài việc chọn sẵn người tham gia mang tính chỉ định thì MTV cũng nên phát động nhiều chương trình, kiểu như một cuộc thi, có tiêu chí cụ thể, ai muốn cũng có thể gửi MV của họ tham gia MTV Việt Nam, thông qua đó có thể phát hiện nhiều nhân tố mới cho âm nhạc hơn.
T.Q: Điều mà anh Hữu Trịnh đề cập chắc chắn trong năm tới MTV sẽ làm. Chúng tôi muốn hướng đến một thị trường công chúng thưởng thức các nội dung chất lượng và hài lòng khi trả tiền để xem. Còn về nhân tố mới thì tôi nhớ rằng trong cuộc họp báo hôm ra mắt giải thưởng, đã có rất nhiều người nói rằng họ cảm thấy chưng hửng khi có nhiều nhân tố quá xa lạ trong danh sách 24 nghệ sĩ đó, ví dụ như Karik, nhóm Tiny Monsters nằm chung với những ca sĩ tên tuổi khác… Theo suy nghĩ của tôi, một giải thưởng âm nhạc có giá trị là một giải thưởng phát hiện được nhân tố mới. Ngay như giải VMA năm vừa rồi cũng đề cử MV nhạc rock hay nhất cho nhóm Cage The Elephant, một nhóm nhạc chẳng mấy người biết.
Q.B: Nếu như Tiny Monsters có cơ hội trong danh sách 24 nghệ sĩ thì tại sao không có thêm ca sĩ X, Y, Z nào đó thuộc dòng underground, giống như họ, để có thể được tham gia cuộc thi này. Như vậy có công bằng hay không?
T.Q: Trong bất cứ cuộc bầu chọn nào, dù của các tạp chí uy tín như Rolling Stone, NME… cũng luôn có những ý kiến tại sao không có những cái tên X, Y, Z chẳng hạn. Không thể mở rộng số lượng ra đến vô tận, ngay cả danh sách khổng lồ như 500 bài hát hay 500 album xuất sắc nhất từ trước đến giờ vẫn chỉ là lựa chọn của một số lượng giới hạn các nhà phê bình như 500 bài hát xuất sắc nhất được chọn bởi 172 nhà phê bình mà tạp chí Rolling Stone mời. Tương tự, giải thưởng VMA của MTV, dù có trong tay lượng MV rất lớn của các thị trường âm nhạc mạnh nhưng các đề cử cũng thường tập trung ở một số cái tên như Lady Gaga, Katy Perry… Trong năm đầu tiên này, khi tìm ứng viên cho giải thưởng, MTV giao trọng trách lựa chọn cho nhạc sĩ Quốc Trung và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. MTV tin tưởng vào sự lựa chọn đó của họ.
H.T: Nhưng, việc đi chọn một nhân tố mới để tạo ra một sản phẩm và phát trên MTV nó khác với việc chúng ta phát hiện được nhân tố mới ấy trên chính sản phẩm MV mà họ gửi về. Hai việc ấy là khác nhau và tôi nghiêng về cái sau hơn vì nó thuyết phục hơn còn trường hợp thứ nhất thì vẫn hơi cục bộ.
T.Q: Trong giải thưởng năm nay, Karik là một cái tên mới đã được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng phát hiện khi xem các clip của Karik trên YouTube, vốn xa lạ với giới truyền thông chính thống nhưng được cộng đồng rap Việt cực kỳ hâm mộ. Đương nhiên, các clip YouTube đó không đủ chất lượng để phát trên MTV nên chúng tôi đã đầu tư để thực hiện một MV tạo được tiếng nói cho làng nhạc rap underground.
Q.B: Tôi thì nghĩ chuyện cục bộ hay không thì ngay cả những nền âm nhạc lớn cũng không thể tránh được. Ví dụ như nhà sản xuất David Foster mà không thích ca sĩ Seal hay Michael Bublé thì những ca sĩ ấy cũng phải chịu. Luôn có những ông lớn đứng chắn để sàng lọc. Theo tôi, hiện nay chúng ta không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào “quần chúng”. Họ không có chính kiến hay phông văn hóa như 10 năm trước.
MTV Giải thưởng Video âm nhạc Việt lần đầu tiên kết thúc bằng lễ trao giải diễn ra vào tháng 1/2012. Các hạng mục của giải thưởng gồm: Giải do khán giả bình chọn và giải của giới chuyên môn. Giải do khán giả bình chọn bao gồm: Video âm nhạc được yêu thích nhất của bảng 1, Video âm nhạc được yêu thích nhất của bảng 2. Hiện 24 MV tham gia giải thưởng đang được phát sóng vào lúc 21 đến 22 giờ thứ Bảy trên kênh MTV Việt hóa, phát lại vào 9 giờ, 19 giờ Chủ nhật và 8 giờ thứ Hai.
H.T: Rõ ràng những chương trình truyền hình âm nhạc theo format nước ngoài bây giờ đa số đề cao yếu tố tương tác với công chúng. Việc MV thắng giải được phát trên MTV châu Á là ví dụ cho thấy sự tương tác của công chúng với chương trình. Nói như anh Bảo thì công chúng ngày nay đang bị loãng ra và chiếu vào MV được phát trên MTV châu Á sẽ nói được điều gì: Đại diện cho nhạc trẻ Việt hay đại diện cho sở thích khán giả Việt?
T.Q: Thật ra khi đưa 2 MV ấy ra MTV châu Á chúng tôi cũng không nghĩ to tát là sẽ đại diện điều gì mà là một lát cắt thoáng qua của làng nhạc Việt. MTV châu Á có những chương trình phát sóng MV của các kênh bản địa và chúng tôi cũng đóng góp MV giống như Indonesia, Malaysia… Trong tương lai, MTV Việt Nam sẽ mở rộng tương tác với MTV châu Á, với điều kiện thị trường nhạc Việt Nam mạnh hơn, các MV chất lượng nhiều hơn và lát cắt đó sẽ sâu và rộng hơn.
* 10 năm trước những nhạc sĩ như Quốc Bảo, Tuấn Khanh… đều muốn đến với MTV, bây giờ ước mơ đó còn không?
Q.B: Không, giấc mơ đó đối với tôi đã qua lâu rồi. Bây giờ qua góc nhìn của tôi thì MV chỉ là một bước trong chuỗi lăng-xê của nghệ sĩ mà thôi. Ngày xưa sở dĩ những người như bọn tôi mong ước là vì mình không có và mình không biết thế nào để có. Tôi xem MTV Mỹ, MTV châu Á, tôi mua những MV về xem và tự hỏi sao chỗ này không phải là Mỹ Tâm, chỗ kia không phải là Trần Thu Hà? Nhưng khi âm nhạc phát triển thì tôi nghĩ đó không phải là thứ mong muốn cháy bỏng nữa, không phải là tất cả để phải thực hiện cho bằng được nữa.
H.T: Tính ra cũng đã một thập niên khi những MV làm mưa làm gió trên truyền hình. Nhưng 10 năm cũng đủ làm thay đổi quá nhiều thứ. Hơn một thập niên trước ai mà qua Mỹ biểu diễn cũng giống như là một thành tích đáng kể so với đồng nghiệp ở Việt Nam, rồi ai có clip được chiếu trên MTV châu Á cũng là một vinh hạnh rất lớn. Còn bây giờ ca sĩ đi diễn ở hải ngoại rầm rộ thì cũng là chuyện bình thường, đường đi và sức thu hút của các MV tôi nghĩ cũng giống như vậy mà thôi.
T.Q: MTV và nghệ sĩ là hai thứ cộng sinh không thể thiếu nhau. MTV Việt Nam mong muốn về tương lai sẽ đẩy mạnh được cả chất lẫn lượng của các MV, điều cơ bản của một kênh truyền hình âm nhạc.
* Cảm ơn các anh đã tham gia cuộc đối thoại này.
TT&VH Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất