01/03/2011 13:02 GMT+7 | V-League
(TT&VH) - Như TT&VH từng hơn một lần đề cập, việc không (hoặc chưa) thể cạnh tranh một vị trí đá chính gần cầu môn đối phương khiến tỷ lệ các bàn thắng của tiền đạo nội cứ hao hụt dần.
Cầm đũa trái tay
Trong một lần tâm sự với TT&VH, tiền đạo ĐT Việt Nam và CLB V.NB Nguyễn Việt Thắng đã thẳng thắn: “Việc các cầu thủ nội (đặc biệt là tiền đạo) phải thường xuyên đá trái sở trường trong màu áo CLB cũng giống như việc người ăn cơm phải cầm đũa bằng tay không thuận vậy. Rất khó “gắp”, nhưng phải chấp nhận thôi, vì việc cạnh tranh vị trí với ngoại binh trên hàng công là cực khó. Rất thường xuyên, các tiền đạo nội phải dạt biên, thậm chí phải chơi như một chuyên gia phòng ngự”.
Xét phong độ 6 tiền đạo đã và đang khoác áo ĐT Việt Nam trong thời gian gần đây là Việt Thắng, Anh Đức, Sỹ Mạnh, Quang Hải, Ngọc Thanh và Công Vinh, gần như chỉ có Việt Thắng và Anh Đức được chơi đúng với vị trí sở trường: trung phong cắm.
Nhưng, ngay cả Việt Thắng, cũng đã hơn một lần phải ngồi ghế dự bị ở mùa giải năm nay để nhường chỗ cho ngoại binh. Trong khi đó, Anh Đức chỉ có cơ hội khi Nwafor không phát huy tác dụng. Những người còn lại đều phải chơi bám biên như một chuyên gia chạy cánh.
Gaston Merlo đã 2 năm liên tiếp giành danh hiệu Vua phá lưới V-League |
Bất luận thế nào, việc phải chơi trái sở trường, cũng sẽ hạn chế rất nhiều tính hiệu quả của các chân sút nội. Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, bởi một cầu thủ (nếu không phải là ngôi sao cở bự) đương nhiên phải phục vụ chiến thuật của đội bóng, chứ không bao giờ có chiều ngược lại. Từ ĐT Việt Nam trở về đội bóng mới N.SG, Quang Hải không một lời ca thán về việc mình không được chơi tiền đạo lùi, bởi anh hiểu rõ thứ triết lý bóng đá ấy. Sỹ Mạnh cũng là một tình huống tương tự.
Việt Cường chỉ là hiện tượng
2 trong số những chân sút nội tốt nhất Eximbank V-League 2011 (2 bàn) tính cho đến thời điểm này là Đình Tùng (Thanh Hóa) và Việt Cường (HA.GL). Tuy nhiên, trong khi phong độ làm bàn của Đình Tùng khi xuất phát từ vị trí của một tiền đạo cánh không làm ai bất ngờ (bởi đây chính là vị trí sở trường của cầu thủ xứ Thanh), thì Việt Cường chỉ là một tình huống hiếm hoi. Ghi 2 bàn vào lưới đối thủ quá yếu như HN.ACB là điều có thể xảy ra với bất cứ một cầu thủ nào chơi tiền vệ.
Kể từ khi chuyển lên HA.GL, Việt Cường thường xuyên sắm vai một chuyên gia chạy cánh. Cũng thi thoảng, Cường “Dusit” chơi tiền vệ trung tâm, ví như những trận đấu gần đây của “Gỗ”. Cường thuộc mẫu cầu thủ lì lợm, thể lực dồi dào và rất chịu khó ra chân. Trong tình huống này, khó có thể đem Cường ra so sánh với các chân sút còn lại trong màu áo ĐT Việt Nam. Cường không giống với Việt Thắng, Quang Hải hay Anh Đức, những người sống bằng các bàn thắng.
Năm ngoái, khi ĐT Việt Nam tập trung chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2010, nhiều người đã phải kêu ca, rằng phong độ làm bàn của hàng công ĐT có vấn đề. Quang Hải là người có hiệu suất ghi bàn tốt nhất (13 bàn), nhưng lại chỉ đá dự bị, hoặc nếu vào sân cũng phải chơi như một tiền vệ biên. Sự thật là việc các tiền đạo thuộc biên chế ĐTQG thường xuyên phải chơi trái sở trường đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống chiến thuật của ĐTQG, duy chỉ riêng HLV Calisto không nghĩ thế.
Ông Calisto cho rằng không có vấn đề gì ở đây cả, khi ĐTQG vận hành bằng một sơ đồ - chiến thuật khác biệt, với bàn thắng phụ thuộc trực tiếp vào các cú đấm từ tuyến 2. Ông thầy người Bồ muốn bắt chước lối đá của Barcelona và ĐT Tây Ban Nha, nhưng nên nhớ rằng, ở Barca trong vòng 2 – 3 năm đổ lại đây, những người ghi bàn tốt nhất luôn là Messi và Villa (sau này), các cầu thủ chơi ở vị trí tiền đạo. Ở VN, sức mạnh của các ĐTQG phụ thuộc trực tiếp vào các CLB, vào V-League.
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất