07/07/2011 07:30 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Đã có một thời, cứ đúng 7 giờ tối, lũ trẻ dù đang lê la ở đâu cũng bổ nhào về nhà túm tụm trước màn hình tivi cho 15 phút ngắn ngủi Những bông hoa nhỏ mỗi ngày, chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi hiếm hoi đã tồn tại từ thời thiếu thốn đủ thứ cho đến hơn 10 năm trước trên VTV. Còn bây giờ, cứ bật tivi lên là các em có thể lựa chọn cái để xem với đủ thể loại. Tuy nhiên, nhiều chưa hẳn đã đủ và cũng không chắc đã hay.
Khách quan mà nói, rõ ràng chương trình thiếu nhi ngày nay đã tăng mạnh về số lượng, bất cứ đài truyền hình nào cũng có chương trình phục vụ khán giả nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, sự nở rộ của truyền hình cáp với những kênh chuyên biệt dành riêng cho đối tượng thiếu nhi cả trong lẫn ngoài nước đã thực sự đem đến cho các em những “bữa buffet thịnh soạn”. Tuy nhiên, những bữa tiệc đó chỉ có thể đáp ứng phần nào nhu cầu của thiếu nhi thành thị, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khá giả đủ sức chi trả tiền thuê bao truyền hình. Còn đại bộ phận thiếu nhi Việt Nam, nhất là ở những tỉnh xa, vùng nông thôn sâu, thì chỉ trông cậy vào truyền hình analog phát miễn phí chủ yếu trên các đài địa phương. Thế nhưng dường như không có mấy nơi mặn mà với truyền hình thiếu nhi khi thời lượng phát sóng các chương trình dành cho các em rất thấp.
Tỷ lệ phát sóng thấp nhất
Tại hội thảo quốc tế Truyền hình cho trẻ em trước thách thức thời đại mới, trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 30 tổ chức tại TP.Cần Thơ vào cuối năm 2010, thông số thống kê lịch phát sóng từ các đài truyền hình trong năm 2010 cho thấy: Đài PT-TH Đà Nẵng mặc dù đứng đầu bảng về sự ưu ái trẻ thơ thì chương trình thiếu nhi cũng chỉ chiếm 10,3% thời lượng phát sóng của đài, tiếp đến là Đài PT-TH Hà Nội - 9,1%, VTV6 - 8%, VTV2 - 5,8%, HTV - 3,8%...; phần còn lại dừng lại ở tỷ lệ không thể khiêm tốn hơn: 1 - 2%.
Kịch vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong dung lượng các chương trình dành cho thiếu nhi
Khi dạo qua lịch phát sóng của các đài lại càng có nhiều điều đáng nói. Hầu như chỉ mỗi HTV còn có khung “giờ vàng” cho thiếu nhi lúc 19h với chương trình phim truyện (thứ Hai, Tư, Sáu, Chủ nhật), game show (thứ Ba, Năm, Bảy); ngoài ra là các khung giờ 7h30, 8h30, 10h, 15h30, 16h30 cho các chương trình khác. Còn lại, khung giờ phát sóng cho các em rất “đa dạng”. Lời khen dành cho Đài PT-TH Đà Nẵng đã có thời lượng chương trình thiếu nhi cao nhất bỗng trở nên gượng gạo khi lịch phát sóng chủ yếu ở các khung giờ: 6h25, 8h, 17h - lúc các em vẫn còn ngái ngủ hoặc đang loay hoay ở trường. Còn lại tình trạng cũng không khá gì hơn: 11h30, 20h, 21h (VTV3); 7h, 11h, 17h50 (Cà Mau); một “đại gia” như Đài PT-TH Vĩnh Long vẻn vẹn chỉ hai khung giờ phát sóng tương đối cố định là 7h15 và 16h40 cho phim hoạt hình, thỉnh thoảng lại có thêm chương trình văn nghệ hoặc sân khấu thiếu nhi vào các giờ “khó đoán” khác… Những khung giờ hoàn toàn “lệch pha” so với lịch sinh hoạt thông thường của các em. Một phụ huynh chia sẻ: “Với thiếu nhi thì khung giờ từ 6h đến 7h tối là “đẹp” nhất. Lúc đó, tụi nhỏ đi học về, tắm rửa, ăn cơm và giải trí, sau đó ngồi vào bàn học. Như thế hệ chúng tôi là cứ căn theo chương trình Những bông hoa nhỏ cho giờ cơm, giờ chơi, giờ học. Còn bây giờ lịch phát sóng chương trình thiếu nhi vừa phi lý vừa lung tung kiểu đó thì không hiểu đài phát để ai coi”.
Dễ dàng nhìn thấy chiếm hết sóng “giờ vàng” hiện nay là các chương trình phim truyện và game show dành cho người lớn, những chương trình rất dễ thu hút tài trợ và quảng cáo. Rõ ràng vấn đề trọng tâm ở đây chính là sự thờ ơ, thiếu quan tâm, chưa đánh giá đúng mức nhu cầu của đối tượng thiếu nhi của những người lớn và nhiều đơn vị làm truyền hình. Đây là một sự lãng phí rất lớn khi xét về số lượng chương trình thiếu nhi không thiếu nhưng chỉ vì lịch phát sóng bất cập (hoàn toàn có thể khắc phục trong tầm tay nhà đài) mà các em vẫn luôn “khát” món ăn tinh thần của lứa tuổi mình.
Chất lượng “dàn trải” nhất
Nếu Những bông hoa nhỏ để lại dấu ấn không phai trong ký ức tuổi thơ các thế hệ trước thì hiện nay dường như rất ít chương trình cho các em ấn tượng thực sự sâu sắc, mặc dù cũng không quá hiếm chương trình hay như: Chuyện ngày xưa, Đi tìm vương quốc truyện cổ, Vườn âm nhạc, Cầu vồng xanh… (HTV); Vườn cổ tích, Em yêu khoa học, Chúc bé ngủ ngon… và đình đám nhất gần đây là Đồ rê mí (VTV)… Tuy nhiên chừng ấy vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thiếu nhi thời đại mới. Bà Mai Hương, Phó ban Thiếu nhi Đài truyền hình TP.HCM, cho rằng: “Ngày xưa ít kênh, ít đài, thông tin tập trung. Bây giờ có quá nhiều thông tin, các em bị phân tán vào nhiều loại hình giải trí khác, đồng thời tập trung vào việc học nhiều hơn, cũng không còn quan tâm nhiều đến một chương trình nào như trước. Đây là một thử thách không nhỏ khiến người làm chương trình thiếu nhi phải cố gắng tìm tòi, học hỏi nhiều hơn nữa để làm những chương trình hay, đủ sức thu hút các em”. Và rõ ràng với tư duy linh hoạt, nhạy bén và lợi thế về khoa học kỹ thuật (3-4 tuổi đã biết… lướt web, biết chọn kênh yêu thích) của trẻ em hiện nay thì nhiều chương trình thiếu nhi “thuần Việt” đang tỏ ra lạc hậu.
Game show Chuyện nhỏ phải “chèo kéo” người nổi tiếng
tham gia để giữ được chân khán giả - phụ huynh
Chiếm đa số các chương trình thiếu nhi ở các đài là phim hoạt hình và dĩ nhiên phim hoạt hình Việt Nam gần như không có chỗ đứng. Ở một số đài truyền hình, chương trình thiếu nhi đồng nghĩa với phim hoạt hình, đài chỉ việc nhập và phát sóng phim hoạt hình nước ngoài (chủ yếu là Mỹ, Nhật và Trung Quốc) - trong đó cũng không hiếm phim có nội dung bạo lực - mà không cần quan tâm đến việc sản xuất chương trình khác. Chương trình ca nhạc thiếu nhi tốt nhất là cứ “ăn sẵn” những băng đĩa nhạc thiếu nhi nổi tiếng từ hơn chục năm trước hoặc đợi những dịp liên hoan các nhà thiếu nhi là cứ vác máy đến quay chứ không mấy đài mặn mà đứng ra sản xuất chương trình ca nhạc thiếu nhi. Thế nên vẫn có những clip ca nhạc ngoại cảnh nghèo nàn, khô cứng gồm vài em thiếu nhi ca hát nhún nhảy trong công viên như từ những năm 1980 và dĩ nhiên không thể thu hút thiếu nhi của thế kỷ 21. Một số game show, kịch… được tiếng là sản xuất cho thiếu nhi nhưng nếu xem có thể thấy “đích đến” chủ yếu vẫn là… phụ huynh của các bé khi các chương trình này cố chèo kéo cho được sự tham gia của những người nổi tiếng, còn nội dung thì trẻ em chỉ “mang tính minh họa”.
Đạo diễn Hoàng Duẩn, một người làm chương trình thiếu nhi lâu năm thẳng thắn nhìn nhận: “Truyền hình thiếu nhi hiện nay thiếu chương trình hay, thiếu giờ phát sóng đẹp và thiếu sự cân đối trong các loại hình nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Chương trình thiếu nhi đâu cứ phải là phim truyện hay phim hoạt hình mà còn cần đa dạng nhiều thể loại như kịch, rối, ca nhạc và cả truyền hình thực tế nữa. Hiện nay, ở tất cả các thể loại chúng ta đều thiếu và trông cậy nhiều vào nguồn nhập ngoại. Nhưng điểm hạn chế nhất vẫn là sự khô cứng, áp đặt về nội dung, nhiều kịch bản thiếu nhi rất giáo điều, nói nhiều quá mà toàn là phát ngôn của người lớn áp cho con nít; hình thức nghèo nàn, đơn điệu, con rối thì cũ và xấu, trang phục diễn viên thiếu tính thẩm mỹ…, làm sao thu hút các em được”.
Truyền hình cáp: tiệc buffet ngoại nhập Hiện có 3 kênh truyền hình nội địa chuyên biệt cho thiếu nhi, đó là Bibi của VTVC, Sao TV của SCTV và Kid TV của VTC. Kid TV là kênh mới toanh, vừa khai trương vào dịp 1/6 vừa qua, phát trên kênh 11 của Đài TH kỹ thuật số VTC. Bibi phát sóng lần đầu tiên vào 1/6/2006 trên hệ thống TH cáp của VTV còn Sao TV xuất hiện từ năm 2009 trên hệ thống TH cáp của SCTV. Thời lượng phát sóng của các kênh này là 16 tiếng/ngày. Có thể dễ dàng thống kê tỷ lệ chương trình nội địa so với chương trình ngoại nhập trên các kênh truyền hình qua lịch phát sóng hàng ngày của những kênh này. Theo khảo sát lịch phát sóng trong 1 tuần, tỷ lệ chương trình Việt Nam trên Sao TV và Bibi bằng nhau, chiếm 11%.
Băn khoăn nhất vẫn là sự áp đảo của những chương trình nhập ngoại. Ngoài phim hoạt hình thì phần lớn chương trình giải trí giáo dục, các game show, phim truyện thiếu nhi cũng được “Việt hóa” từ format bên ngoài. Và hệ quả là trẻ em Việt Nam hiện nay thân quen với những Tom và Jerry, Pikachu, siêu nhân Gao… hơn là những thằng Bờm, chú Cuội, Thánh Gióng…
“Nhập và giao lưu các chương trình truyền hình là xu thế chung trên thế giới. Chúng ta phải chấp nhận. Nhưng hòa nhập chứ không hòa tan. Và để không hòa tan chúng ta phải có cái gì của mình để đối trọng lại, song song tồn tại chứ không thể nhường hẳn đất cho khách”, đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ.
Tuy vậy, không nhập ngoại thì cũng khó cho nhà đài bởi mức đầu tư cho các chương trình thiếu nhi rất thấp. Với một vở kịch dàn dựng để quay hình, đạo diễn chỉ được trả 700 - 800 ngàn đồng, còn cát-sê diễn viên chỉ là 100 - 200 ngàn đồng! Điều này không khó hiểu bởi hiện nay, với những cơn lốc giờ vàng cho phim, cho các game show, reality show kiếm được nhiều quảng cáo thì những gì không ra tiền đều ra rìa, bất kể là dành cho thiếu nhi hay người lớn. Bởi thế mà với các game show cho thiếu nhi, người ta thường phải “chèo kéo” người nổi tiếng để thu hút phụ huynh các cháu mới mong có được quảng cáo.
Không chỉ thế, một yếu tố quan trọng khác đã hầu như bị bỏ quên khi các nhà đài sản xuất chương trình thiếu nhi, đó là độ tuổi của từng nhóm khán giả mà các chương trình hướng tới. Thiếu nhi từ 1 đến 3 tuổi có nhu cầu khác thiếu nhi từ 3 đến 6 tuổi và càng khác, thiếu nhi từ 6 đến 9 tuổi và từ 9 đến 11 tuổi sẽ không giống như tuổi teen - 11 đến 18. Không thể có một loại chương trình dành cho tất cả các độ tuổi bởi sự nhận biết của trẻ con ở các độ tuổi khác nhau có sự khác biệt rất lớn. Kỳ vọng sản xuất được những chương trình phục vụ tất tật các lứa tuổi là chuyện không tưởng, và đó chính là một trong những nguyên nhân khiến cho chương trình thiếu nhi của Việt Nam ế khán giả.
Và thiếu bản sắc nhất
Cũng tại hội thảo về truyền hình thiếu nhi tại Cần Thơ cuối năm 2010, các đại biểu của Australia và Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền hình thiếu nhi không chỉ đơn thuần là kênh giải trí dành cho trẻ mà còn khơi gợi và định hình tinh thần dân tộc cho các em từ thuở nhỏ. Xem truyền hình thiếu nhi, mọi người có thể nhận dạng được “bản sắc dân tộc” của từng quốc gia như: người Australia hướng các em tới tinh thần yêu thiên nhiên, ưa thích phiêu lưu đặc trưng của mình; người Trung Quốc đề cao tinh thần tự tôn dân tộc cùng những giá trị nổi bật của nền văn minh Trung Hoa; Thụy Điển lại ít khi làm chương trình về truyện cổ tích (vì các em ai cũng biết) mà đẩy mạnh hai nội dung đất nước này tự hào nhất là bảo vệ môi trường và bình đẳng giới… Truyền hình thiếu nhi Việt Nam hiện nay vẫn chưa xây dựng được bản sắc riêng và đây là một thiếu sót cần nhanh chóng bổ khuyết khi trẻ em Việt ngày càng “khát” văn hóa nội và nguy cơ bỏ quên bản sắc hoàn toàn có thể xảy ra.
Bài kết: Qua lăng kính phụ huynh
Ngọc Tuyết
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất