Từ Catinat đến Đồng Khởi, cuộc dạo chơi về quá khứ…

17/03/2011 08:06 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Từ Sài Gòn đến TP.Hồ Chí Minh, một chặng đường dài trải qua, biết bao biến thiên đã làm đổi thay bộ mặt thành phố. Những đổi thay nói lên sự phát triển của thành phố khi bước vào thời đại toàn cầu hóa song vẫn tựa trên cái nền tảng đã dựng lên nó… Đường Đồng Khởi ngày nay, vốn là Catinat thời Pháp thuộc, Tự Do thời trước sự kiện 30 tháng 4… là một biểu tượng của Sài Gòn - Gia Định, nay cũng bắt đầu thay đổi chóng mặt.


Là một thành phố mọc lên từ những đầm lầy ven sông Bến Nghé, khi những người Pháp đầu tiên mở cuộc chinh phục Sài Gòn, họ đã tìm một mảnh đất tương đối cao để đóng đại bản doanh. Mảnh đất đó mang tên “cao nguyên”, nhưng thật ra chỉ là một gò đất nhỏ cao hơn xung quanh chừng vài mét nằm ở trung tâm thành phố hiện nay. Từ vùng đất cao đó người ta đã mở con đường đầu tiên đi xuống bờ sông, bến cảng chủ yếu để nối liền với chính quốc. Đó là đường Catinat, nay mang tên Đồng Khởi. Người Pháp đã lấy tên chiếc hộ tống hạm Catinat, từng tham gia vào cuộc tấn công thành phố Đà Nẵng năm 1858 và Sài Gòn năm 1859, để đặt tên cho con đường. Nhưng chính con tàu ấy lại mang tên một vị thống chế Pháp sống vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, không liên quan gì đến thành phố thuộc địa này cả.


Từ trên “cao nguyên” tỏa ra những con đường rợp bóng mát với biệt thự của các quan chức cao cấp thuộc địa, nhân viên ngân hàng và xuất nhập khẩu. Gần đấy là Cercle Sportif, nơi lui tới của tầng lớp thượng lưu thuộc địa, tuy không có lệnh cấm chính thức, nhưng người Việt và người Hoa cũng ngần ngại không muốn có mặt ở chốn đó. Trải qua bao biến thiên, cho đến khi nổ ra hai cuộc chiến tranh, Cercle Sportif vẫn là nơi lui tới của nhiều người nước ngoài, muốn tìm lại hoài niệm về cố quốc.


Các cơ quan cai trị tập trung ở ven chân đồi. Đấy là dinh Thống đốc Nam Kỳ xây dựng từ năm 1868, khi chiến tranh Pháp - Việt nổ ra thì trở thành dinh cao ủy, nằm giữa vườn cây um tùm, để rồi sau năm 1954 trở thành Phủ Tổng thống của chính quyền Sài Gòn. Cách đấy không xa là tòa đô chính nhìn ra hướng sông, xây dựng trục trặc kéo dài trong mười năm, đến năm 1908 mới hoàn thành, nay trở thành trụ sở Ủy ban Nhân dân TP.HCM. Phía sau nó là dinh chính quyền Nam Việt nhỏ hơn, nay trở thành nhà bảo tàng, liền đó là nhà tù và sở mật vụ với bờ tường lởm chởm dây kẽm gai, nay đã trở thành cơ quan của Sở VH,TT&DL TP.HCM. Tòa án với kiến trúc cổ kính tọa lạc ở một vị trí xa hơn. Giữa những kiến trúc đủ kiểu đó là Vương cung thánh đường, xây vào năm 1880 với tường gạch đỏ nằm chơ vơ như một hòn đảo nhỏ giữa những con đường ngang dọc như mắc cửi.


Người Pháp đã so sánh đường Catinat với đại lộ Canebière của Marseille, vì đây là nơi tập trung những cửa hàng sang trọng nhất của thành phố, nơi dạo chơi của giới thượng lưu thuộc địa trong những ngày đầu đặt chân đến mảnh đất xa xôi này. Còn nhà báo Pháp Lucien Bodard thì ví đường Catinat như cái cuống rốn của Sài Gòn. Đấy là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của thế giới thuộc địa. Trong hai cuộc chiến tranh, đây cũng là nơi từng xảy ra những sự kiện quan trọng của cả hai bên tham chiến. Có thể nói, đây là nơi lắng nghe nhịp đập của trái tim Sài Gòn. Tại đây có dinh thự của Cao ủy Pháp, của bộ tham mưu, Sài Gòn của những kẻ phiêu lưu, và của những “người Mỹ trầm lặng”… Rồi khi chiến tranh đổi chiều, lại là Sài Gòn của Bộ chỉ huy MAAG, của cảnh sát đô thành, của trung tâm chiêu hồi, xen vào giữa là những đặc vụ của cả hai phía… Một cuộc diễu hành của những khuôn mặt quen thuộc vào những giờ nhất định. Những quý phu nhân sang trọng đi cạnh cô gái làng chơi vừa từ Marseille đến hay từ những làng quê đang tan tác vì chiến tranh chạy ra thành phố. Người ta biết nhau nhưng không ai hỏi ai, mỗi người qua đường đều biết những câu chuyện bí mật riêng tư của người vừa gặp, nhưng họ chỉ bắt tay như những người trong cùng đẳng cấp.

Trích từ bản thảo cuốn sách (tên tạm thời) Sài Gòn - trầm tư từ một con đường, do Art Book thực hiện, dự kiến xuất bản vào tháng 7/2011.

(Xem tiếp phần 2 trên TT&VH Cuối tuần số 12)

Đào Hùng (nhà sử học)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm