Cơn sốt chơi thú “độc”

12/12/2011 10:04 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Kỳ nhông, kỳ đà, rắn, nhện… là những loài động vật hiện đang được rất nhiều bạn trẻ biến thành thú “cưng” nuôi trong nhà. Trào lưu nuôi thú “độc” khá tốn kém nhưng ngày càng phổ biến ở TP.HCM.

Bạn N.L.T, 20 tuổi, là thành viên của một diễn đàn về các loài thú “độc” lớn nhất nhì Việt Nam, cho biết: “Số lượng thành viên tham gia lên đến hơn 7.000 người, số thành viên thường trực khoảng gần 500 người. Hằng tháng, có đến gần 40 thành viên tổ chức buổi gặp mặt để khoe thú “cưng” của mình”.

Thú chơi tốn kém


Nhiều bạn trẻ say mê chơi thú “độc” như kỳ nhông tê giác

Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi thấy khi bước vào bên trong căn phòng khách của nhà bạn N.L.T, ở phường 3, quận Tân Bình, là một lồng sắt lớn với 2 con kỳ nhông đang được nuôi nhốt. Theo T. cho biết, đây là loài kỳ nhông tê giác, có tên gọi là Rhino Iguana có xuất xứ từ châu Phi, được khoảng 3 tuổi.

“Loại kỳ nhông này có thể sống đến 40 năm. Đến khi trưởng thành, nó có thể dài đến 1,5m nếu được sống trong môi trường tự nhiên. Còn sống trong chuồng chật hẹp này thì chỉ dài đến khoảng 1,3m. Hiện nay tại Việt Nam chỉ có khoảng 15 con thôi” - T. nói.

Theo T, đối với loại kỳ nhông tê giác này có giá từ 300 - 400 USD/1 con nhỏ, có chiều dài khoảng 30cm. Tuy nhiên, với 2 con kỳ nhông 3 năm tuổi của T. hiện có giá từ 1.000 - 1.500 USD/1 con. T phân tích: “Đây là loài kỳ nhông rất hiền lành chỉ ăn rau, trái cây và rất dễ nuôi. Hằng ngày, em cho ăn rau xanh và cả hộp thức ăn trái cây khô có xuất xứ từ Mỹ với giá hơn 200 ngàn đồng/hộp. Ngoài ra, phải cho loài này phơi nắng vì đây là loài bò sát máu lạnh, nếu không chúng sẽ yếu dần và chết”.

Ngoài ra, cũng trong phòng khách, T còn nuôi những loại thú “độc” khác như: rắn vua có xuất xứ từ Mỹ, rắn ri voi bạch tạng và nhện Chilean Rose có xuất xứ từ Chilê. “2 con rắn này là loại rắn không độc, có độ tuổi từ 1- 2 năm, có giá từ 2 - 4 triệu đồng/1 con. Trong giới đam mê các loại thú “độc”, thì nhện Chilean Rose là loài được ưa chuộng nhất vì ít độc, không gây nguy hiểm cho người nuôi. Hiện giá 1 con nhỏ bằng đốt ngón tay chỉ khoảng 150 ngàn đồng và 10cm thì có giá từ 450 - 600 ngàn đồng/1 con tùy màu sắc” - T cho biết.

Để tham gia chơi vài con thú “độc” trên, số tiền đầu tư ban đầu của T lên đến hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, đã đam mê sưu tầm và nuôi những loài bò sát, nhiều người không tiếc tiền để sở hữu một giống bò sát thuộc hàng “đỉnh” có giá hàng trăm triệu đồng. T dẫn chứng: “Một anh tên Nam mà em biết, sống ở quận 6, hiện đang sở hữu một con kỳ nhông bạch tạng Albino Iguana có giá 100 triệu đồng. Những con này khi còn nhỏ có màu vàng toàn thân nhưng lớn lên sẽ chuyển hoàn toàn sang màu cam, trông rất đẹp mắt”.

Chủ yếu là nhập lậu

Qua tìm hiểu của chúng tôi, những loại bò sát có xuất xứ từ nước ngoài về Việt Nam chủ yếu là nhập lậu, chủ yếu là từ Thái Lan vì ở quốc gia này có những trang trại chuyên nuôi các loài bò sát và cung cấp ra thị trường. Việc mua chúng không hề khó, chỉ cần vào các diễn đàn bò sát và nhìn thấy ưng ý là đặt hàng mua qua mạng.   

Hai chú kỳ nhông Tegu và Iguana có xuất xứ từ châu Phi, được nhập về Việt Nam từ Thái Lan

Đánh giá về việc này, T cho rằng: ở nước ngoài, như Mỹ, các cơ quan chức năng cấp phép cho người dân ở nhiều độ tuổi được nuôi các loại động vật khác nhau phù hợp. T đưa cho chúng tôi xem những tạp chí, sách hướng dẫn nuôi bò sát mà T đã đặt hàng mua về từ Mỹ để chứng minh những gì mình nói là có cơ sở.

Ở một số nước, đủ tuổi và đủ kinh nghiệm thì sẽ được cho phép nuôi những loài thú có độc. Thực ra, các cơ quan chức năng cho phép như vậy là rất hay vì ngay từ những em nhỏ đã có thể tiếp cận đến những loài động vật và giáo dục ý thức bảo vệ động vật. Một con kỳ tôm, loài bò sát của Việt Nam được bán giá từ 50 ngàn - 200 ngàn đồng/1 con để vào nhà hàng làm “mồi nhậu”. Nhưng khi xuất ra nước ngoài để bán theo dạng thú chơi “cảnh” có giá từ 30 - 40 USD/1 con.   

Thạc sỹ Hoàng Việt, giảng viên khoa Sinh, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho biết: “Những động vật ngoại lai, nếu để sổng ra môi trường, rất có thể sẽ đe dọa đến môi trường sống của các loài sinh vật bản địa. Loài rùa tai đỏ cũng từng đã được nhập về để làm cảnh, đó là ví dụ sinh động nhất về sự nguy hiểm của sinh vật ngoại lai”

Thực tế, dù không hề được cấp phép, phong trào nuôi các loại thú “độc” ngày càng nở rộ và cùng với phong trào này chắc chắn đã có thêm rất nhiều loại động vật ngoại lai “nhập lậu” vào Việt Nam.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm