Ai phát hiện rùa khổng lồ ngoài Hồ Gươm?

17/03/2011 08:56 GMT+7 | Thế giới

Thuận đã lặng lẽ chia tay với công việc linh thiêng vào đúng cái lúc mà những người hâm mộ rùa Hồ Gươm sung sướng vỡ òa khi biết rằng, trên lãnh thổ chúng ta vẫn còn một cá thể rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ ngoài Hồ Gươm.

>> Chuyên đề: Rùa Hồ Gươm lâm nguy

Trong khi rùa Hồ Gươm là biểu tượng tâm linh của đất nước, của tâm hồn Việt, thậm chí, là tứ linh (long, ly, quy, phụng) trong quan niệm từ ngàn năm nay, thì có một thực tế là một thời gian dài chúng ta ra sức săn bắt, làm thịt loài rùa khổng lồ này. Chỉ đến khi còn mỗi cụ rùa già trong Hồ Gươm, người ta mới giật mình.

Từ khoảng chục năm nay, dư luận đặc biệt chú ý đến loài rùa Hồ Gươm, khi các nhà khoa học khẳng định rằng, trong hồ chỉ còn duy nhất một cụ. Việc mà các nhà khoa học đáng kính trong nước làm được chỉ dừng lại ở chụp ảnh, rồi tranh cãi mấy việc nho nhỏ, chẳng hạn như: trong hồ còn mấy cụ rùa? Cụ rùa xuất xứ từ đâu? Là rùa hay là giải… Nhưng có một thực tế, cho đến giờ phút này, các tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ, thậm chí rùa trong Hồ Gươm là rùa đực hay rùa cái cũng chưa biết.

Cụ rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ duy nhất được phát hiện ngoài Hồ Gươm. Ảnh: Nguyễn Xuân Thuận.

Sau khi họp bàn chán chê, với sự đóng góp ý kiến của hàng chục nhà khoa học và sự hối thúc của dư luận, các nhà khoa học, các nhà quản lý mới tiến hành bắt cụ rùa ốm yếu lên điều trị. Thế nhưng, hài ước thay, cụ rùa ốm yếu, ghẻ lở xé lưới thoát ra biến nỗ lực đánh bắt của chúng ta như trò trẻ con.

Ngoài việc chụp ảnh cụ rùa, tranh cãi mấy vấn đề khoa học, thì phải công nhận rằng, một số nhà khoa học của chúng ta cũng đã đi thực địa để tìm hiểu. Nhiệt tình nhất phải kể đến PGS. Hà Đình Đức, ông đã ngược sông Đà, vào tận sông Mã để tìm hiểu. Tuy nhiên, ông Đức cũng như các nhà khoa học của chúng ta, mới chỉ dừng lại ở việc đi nghe người dân kể chuyện săn rùa khổng lồ, rồi sung sướng phát hiện ra vài hộp sọ, tấm mai, tiêu bản rùa mà người dân săn được từ mấy chục năm trước, hiện được giữ lại như chiến tích săn bắn một thời.

Hồ Đồng Mô - nơi phát hiện cá thể rùa Hồ Gươm thứ 2 ở nước ta.

Nhưng ít ai biết rằng, bao nhiêu năm nay, có một tổ chức phi chính phủ, với một số nhà khoa học nước ngoài, đã âm thầm lăn lộn khắp các ao hồ, vùng miền Tổ quốc Việt Nam, thậm chí cả trăm lần đi về Trung Quốc, để truy tìm loài rùa Hồ Gươm khổng lồ, để tìm cách bảo tồn nguồn gen cực kỳ quý hiếm này cho chúng ta.

Hành trình đi tìm loài rùa nước ngọt khổng lồ của họ rất tốn kém, rất gian nan và kết quả là họ đã tìm được một cụ rùa khổng lồ ở hồ Đông Mô (Ba Vì). Họ đã xác định, bằng cả ADN, rằng cụ rùa Đồng Mô đúng là cùng dòng giống với rùa Hồ Gươm của chúng ta. Và cho đến bây giờ, họ vẫn là những người tích cực nhất, chi tiền của và công sức ngày đêm bảo vệ cụ rùa này trước sự dòm ngó của những tay săn trộm. Các nhà khoa học của chúng ta cũng không làm được gì nhiều cho cụ rùa này, ngoài việc tiếp tục tranh cãi rùa Đồng Mô có phải là rùa Hồ Gươm, có phải Rafetus Swinhoei, có phải là giải Thượng Hải hay không?






Đồ nghề săn rùa khổng lồ.

Và cho đến lúc này, cũng không phải ai cũng biết về người đầu tiên phát hiện ra cụ rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ ở hồ Đồng Mô, cùng giống loài với rùa Hồ Gươm, là hậu duệ duy nhất của cụ rùa đã quá già, có nguy cơ quy tiên cứ lúc nào trong hồ Lục Thủy.

Căn phòng trên tầng 13 của tòa nhà 57 Láng Hạ (Ba Đình, Hà Nội), từ trong ra ngoài dán toàn ảnh rùa với giải, là trụ sở của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á, thuộc Vườn thú Cleveland Metroparks (Mỹ). Trời ạ! Một vườn thú thôi, mà họ cử mấy chuyên gia liền, với đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, các cán bộ chuyên môn về rùa đến Việt Nam tìm hiểu, truy tìm, bảo tồn loài rùa khổng lồ có nguy cơ biến mất khỏi trái đất.

Anh chàng Hoàng Văn Hà, người Việt, là Điều phối Chương trình rùa Việt Nam còn khá trẻ, nhưng hiểu biết về rùa thì chẳng kém gì các chuyên gia. Ở Việt Nam, chuyên gia về động vật thì nghiên cứu các loài động vật, chuyên gia thực vật thì nghiên cứu đủ các loại cây cỏ, còn ở cái cơ quan này, họ chỉ có mỗi việc nghiên cứu con rùa. Bộ phận nghiên cứu rùa Hồ Gươm thì chỉ nghiên cứu duy nhất loài rùa Hồ Gươm. Vì chuyên môn quá hẹp như thế, nên họ giỏi cũng phải.


Nguyễn Xuân Thuận và tiêu bản rùa ở Hòa Bình.

Anh Hà bảo, Việt Nam là xứ sở núi cao, sông dài, biển rộng, nên họ nhà rùa, ba ba cũng lắm, có ngót ba chục loài rùa quý. Ngày xưa, rùa bò đầy suối, lổm ngổm trong rừng, trông như cái thuyền thúng úp ngược bò lên bãi cát ven biển đẻ trứng. Rùa mai mềm nước ngọt, hay còn gọi là rùa Hồ Gươm, hay con giải, con trạnh, cũng rất nhiều. Dân ta cũng ăn ba ba, ăn rùa, nhưng vì loài bò sát máu lạnh này có nhiều, nên người ta chỉ bắt một lượng đủ ăn mà thôi.

Từ khi mở cửa thông thương, buôn bán với người Trung Quốc, thì rùa, ba ba ít dần. Trung Quốc là cái “cối xay thịt rùa” khổng lồ của Châu Á. Rùa tuyệt chủng chủ yếu do dân ta bắt bán qua bên kia biên giới. Có những loài rùa, như rùa vàng, có giá đến vài trăm triệu một kg, thì thử hỏi làm sao chúng không bị con người truy sát tận diệt.



Các nhà khoa học Việt Nam thay vì đi tìm rùa để bảo tồn, thì chỉ mới chỉ dừng lại ở việc chụp ảnh, ghi nhận, tranh cãi.  

Loài rùa Hồ Gươm, hay còn gọi là con giải, với ngồn ngộn thịt, với bộ riềm, nghe người dân vùng Yên Bái, Phú Thọ kể rằng, nhai cứ giòn tan, béo ngậy, thì làm sao bảo toàn được mạng sống. Dân ta vốn không ăn rùa, coi rùa là linh vật, nhưng thấy người Trung Quốc ráo riết thu mua, chế biến đủ các món thập toàn đại bổ, thì cũng đem rùa đi hấp muối, bắt giải khổng lồ xẻ thịt xào giả cầy, sốt vang, cũng xay mai thành bột làm thuốc tráng dương bổ thận. Cứ thế, các loài rùa tiến đến bờ vực tuyệt chủng.

Quay lại chuyện phát hiện cụ rùa khổng lồ ở Đồng Mô, cá thể duy nhất kế cận cụ rùa già nua trong hồ Lục Thủy, tôi chợt nhớ đến anh chàng Nguyễn Xuân Thuận, người phát hiện ra cụ rùa đặc biệt quý báu này. Nhưng Thuận đã lặng lẽ chia tay với công việc linh thiêng vào đúng cái lúc mà những người hâm mộ rùa Hồ Gươm sung sướng vỡ òa khi biết rằng, trên lãnh thổ chúng ta vẫn còn một cá thể rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ. Vậy là, cụ rùa không cô đơn. Các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, người dân cả nước đã mơ tưởng đến một viễn cảnh đẹp: ép duyên rùa đực Đồng Mô với rùa Hồ Gươm để sinh sản. Đã có nhiều cuộc hội thảo, bàn bạc rất gay cấn về chuyện ghép đôi này, chỉ có điều, cụ rùa Hồ Gươm là đực hay cái, thì… vẫn chưa ai biết!

Phần tiếp: Người lăn lộn đi tìm rùa khổng lồ ngoài Hồ Gươm

Theo VTC News

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm