“Trăm phương nghìn kế” đối phó với… giá

21/02/2011 11:20 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Những ngày này, đi đâu cũng thấy người dân bàn tán về chuyện tăng giá. Việc giá than, điện, xăng dầu tăng giá mới chỉ là thông tin, chưa thực hiện ngay nhưng giá cả thị trường hiện nay đã vin vào đó tăng cao. Để đối phó với hiện tượng tăng giá kiểu “đi tắt đón đầu” đó, bất đắc dĩ người tiêu dùng phải nghĩ ra những chiêu thức nhằm chi tiêu hợp lý trong thời bão giá.

Có thể nói, những mặt hàng có lý do để tăng giá hợp lý ngay tại thời điểm này là những hàng nhập khẩu, chịu tác động trực tiếp từ tỷ giá VND/USD. Quen thuộc nhất là hàng điện tử, điện lạnh gia dụng.

Mua “chạy” tỷ giá

Tuy nhiên, cho tới ngày 20/2, vào đúng ngày Chủ nhật, cao điểm mua sắm của người dân, theo tìm hiểu thì hầu hết các siêu thị điện máy đều cho biết chưa tăng giá, các siêu thị điện máy như Trần Anh, Pico, HC, Topcare, MediaMart... vẫn giữ mức niêm yết từ trước Tết Nguyên đán.

Chị Vân Anh, đại diện Siêu thị điện máy Pico Plaza cho biết: “Việc nhập khẩu và tiêu thụ các model hàng điện máy bao giờ cũng có khoảng thời gian và độ trễ nhất định. Hiện siêu thị đang bán hàng nhập cũ nên giá chưa tăng. Khả năng đến tháng 3 khi nhập hàng với tỷ giá mới thì sẽ điều chỉnh giá”. Như vậy, khi các siêu thị điều chỉnh giá cả theo tỷ giá mới, giá hàng hóa có thể tăng đến 10%. Có lẽ, tính toán như vậy nên không hẹn mà gặp, ngày Chủ nhật hôm qua, các siêu thị điện máy đều rất đông khách đến mua hàng “chạy” tỷ giá.

Anh Nguyễn Văn Đông, cùng vợ đến xem hàng điện tử tại siêu thị điện máy Trần Anh cho biết: “Theo kế hoạch, tháng sau hai vợ chồng dự định mới mua một bộ dàn âm thanh “xịn”. Nhưng nghe tỷ giá, rồi giá xăng, điện sắp tăng nên quyết định vay tạm tiền người nhà đi mua luôn, tránh tăng giá”. Cuối cùng, anh chị chọn bộ dàn âm thanh SONY 5.1 với hóa đơn thanh toán 13 triệu 990 nghìn đồng. Anh Đông hoan hỉ: “Nếu niêm yết theo tỷ giá mới khoảng 10%, rồi giá thị trường đội lên theo giá xăng nữa... thì tiết kiệm được gần 2 triệu bạc”. Không chỉ vợ chồng anh Đông, nhiều người cũng đi mua sắm theo kiểu “chạy” tỷ giá như vậy.

Các chợ đầu mối hàng vẫn dồi dào và giá rẻ
Té nước theo mưa

Lợi dụng thông tin xăng dầu, điện... sẽ tăng giá mà một số tiểu thương tại nhiều chợ lẻ đã “đi tắt đón đầu” đẩy giá thành các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm lên. Từ trứng, thịt, cá, cà chua, bắp cải, xu hào đến hành lá, chanh ớt... đều lăm le tăng giá, ai thắc mắc đều được nghe lời giải thích quen thuộc của người bán: Giá hàng nhập vào đã cao nên phải bán cao. Vừa Tết xong, giá vàng tăng, giá đô tăng, rồi giá xăng, giá điện cái gì cũng tăng nên phải tăng theo.

Chị Phương ở 579 Đê La Thành thường đi mua thực phẩm tại chợ Thành Công kể: “Nhà có con nhỏ, tôi thường đi mua cật lợn về nấu cháo cho cháu ăn. Trước Tết, giá chỉ 11 nghìn đồng/ lạng, một quả cật to khoảng 2 lạng cũng chỉ 20 nghìn đồng, nay giá tăng lên 14 nghìn/lạng, mua một quả cật đã mất toi gần 30 nghìn”. Giá thịt bò bắp cũng tăng từ 145 nghìn lên 170 nghìn/kg, giá tôm cũng tăng từ 150 lên 185 nghìn đồng mỗi cân mà tôm không to như trước. Tại các chợ bán lẻ, giá cao so với các chợ đầu mối và ở ruộng, rau cải cúc 2 nghìn đồng/bó, súp-lơ 4000đ/cái, bắp cải 7 nghìn đồng/kg, rau cần 10 nghìn/kg, cà chua 14 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, giá thực tế đã được các tiểu thương đẩy lên cao gấp rưỡi đến gấp đôi giá nhập vào từ các chợ đầu mối. Chỉ cần 1 lần lượn qua các chợ đầu mối, người tiêu dùng sẽ biết ngay giá thực phẩm đã bị các tiểu thương đẩy lên cao như thế nào.

PV TT&VH đã có một cuộc khảo sát qua một số chợ đầu mối như chợ Dịch Vọng hậu tại khu vực cầu vượt Dịch Vọng, chợ đêm Ngã Tư Sở, chợ Phùng Khoang, chợ Đền Lừ, chợ Long Biên... Các chợ đều họp từ đêm tới sáng sớm hôm sau, tại những chợ đầu mối này tập trung những người trồng rau từ các khu vực lân cận Hà Nội như: Vân Tảo (Thường Tín), Tây Tựu, Mê Linh, Đông Anh... Hầu hết họ đều mang rau của gia đình canh tác đến bán buôn tại đây. Anh Thành, người trồng rau ở Vân Tảo cho biết: “Chúng tôi tiếc công tiếc của mới “chạy” rau lên tận thành phố bán, nếu người ta đánh xe mua tại ruộng, giá chỉ quá nửa thế này thôi”.

Thực tế, giá các loại rau củ quả ở đây đều rất rẻ, thường được bán cả sọt, cả lô, rau cải cúc 500đ/ bó, rau cần và bắp cải 4 nghìn đồng/kg, súp-lơ 2.000đ cái, xu hào 1.000đ/củ, cà chua 9.000đ/kg...

Tìm mua đúng giá

Nhiều bà nội chợ đã chọn cách đoạn tuyệt với chợ lẻ, vào siêu thị, “độc chiêu” hơn, có người chọn cách đi chợ đầu mối vào sáng sớm. 1 tuần 2 buổi đến chợ đầu mối có thể mua đủ rau xanh và thực phẩm cho cả tuần mà vẫn giữ được tươi ngon.

Chị Thuận, bán cà chua tại chợ Dịch Vọng cho biết, trước kia chị chỉ “đổ buôn” cho những người bán lẻ, nhưng từ sau Tết, ngày càng có nhiều người đi chợ mua thực phẩm cho gia đình. Những người bán buôn ở đây cũng quen dần với người mua lẻ.

Chị Luyến, người mỗi ngày đánh một chuyến xe tải 2,5 tấn bán tại chợ đầu mối Ngã Tư Sở cho biết: “Khách hàng của chị đều là những người bán lẻ, nhưng hiện nay, khu vực này cũng đông sinh viên nên ngày càng có các bà nội trợ, sinh viên tìm đến mua. Người ta mua ít, nhưng đã phải cất công đi sớm mình không nỡ từ chối bán nên những người bán buôn bán trực tiếp cho người dân luôn. Mức giá chỉ tương đương bán buôn”.

Những người nội trợ đi chợ đầu mối thường vào các buổi sáng sớm. Vài ngày một lần ra chợ, họ đã mua đủ thức ăn tươi cho cả tuần với giá chỉ bằng một nửa thậm chí một phần ba mức giá tại chợ vẫn mua hàng ngày. Có lẽ, vì “độc chiêu” này nên những bà nội trợ gần các chợ đầu mối không phải quá lo với “bão giá”. Tuy nhiên, về lâu dài, người dân cần có sự quản lý hệ thống bán lẻ cần thiết, rõ ràng hàng hóa từ chợ đầu mối về chợ lẻ thôi mà tăng giá tới gấp rưỡi, gấp đôi là quá cao. Ai cũng biết sự bất hợp lý ấy nhưng đều phải chấp nhận như một quy luật của “bão giá”.

Phương Linh - Tạ Nhung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm