Trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường: "Mong đọc kỹ để điều chỉnh hành vi"

06/01/2012 14:16 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Quy định Kỷ luật sửa đổi, bổ sung năm 2012 phải nói là chặt chẽ và được chấp bút công phu hơn nhiều khi dày đến 32 trang, lên đến 6 chương với nhiều điều khoản hơn. Trong khi đó, Quy định cũ chỉ có 3 chương, 24 trang. TT&VH thực hiện cuộc phỏng vấn với ông Hường, người luôn “hot” bởi tuần nào cũng có việc liên quan đến vi phạm trong bóng đá.

Các khung kỷ luật rõ ràng, cụ thể nên dễ xử

* Đọc hết 32 trang đúng là khá mất thời gian và “đau đầu”. Chứng tỏ, các ông đã khá công phu khi chấp bút?!

- Không còn cách nào khác, chúng tôi và VFF phải tập trung cao độ để hoàn thiện những khung kỷ luật một cách tối ưu để thiết lập lại kỷ cương, trật tự cho bóng đá chuyên nghiệp nước nhà. Xử lý kỷ luật là công việc vô cùng khó khăn và phức tạp. Tôi hy vọng các đối tượng tham gia bóng đá đọc thật kỹ để điều chỉnh hành vi của mình, chứ chúng tôi thực tình mong ban mình thất nghiệp đúng nghĩa.

Tôi cho rằng Quy định Kỷ luật có sửa đổi, bổ sung lần này tương đối hoàn chỉnh, dựa trên quy định của FIFA, có tính khả thi, logic, kế thừa và quan trọng nhất là phù hợp với thực tiễn bóng đá VN. Tất nhiên, chúng tôi mong muốn sự phản biện của mọi người để sửa đổi tiếp, nhằm hoàn thiện thêm.

* Chương I và II không có nhiều thay đổi, nhưng các chương tiếp theo mới mẻ khá nhiều. Chương III-Quy định xử phạt- thì đáng chú ý với mục 6 mới toanh: Vi phạm của quan chức trận đấu. Giám sát, trọng tài vi phạm, sẽ bị xử lý với nhiều mức độ khác nhau.

- Đúng thế. Lâu nay kỷ luật của trọng tài thường do Hội đồng TTQG và nay là ban Trọng tài quyết định nội bộ. Trường hợp treo còi trên 6 trận mới trình lên Thường trực VFF hay ban Kỷ luật. Chính vì thế nhiều khi bị dư luận cho rằng Hội đồng TTQG và kể cả ban Trọng tài hiện tại như thế giới riêng, thường giơ cao, đánh khẽ với lực lượng của mình. Bây giờ, chúng tôi sẽ làm quyết liệt hơn, ngoài phối hợp với ban Trọng tài còn tự chủ động hơn để xử kỷ luật các trọng tài, giám sát vi phạm. Trọng tài ngoài bị phạt tiền 3 đến 10 triệu đồng, còn có thể bị đình chỉ nhiệm vụ dài hạn. Nên nhớ chưa bao giờ có tiền lệ phạt tiền trọng tài, giám sát khi sai sót.


Trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường tin rằng bóng đá VN ở mùa giải năm nay sẽ ít vấn đề nhức đầu hơn so với những năm trước đó

Giám sát cũng vậy, chúng tôi chẳng khó để tìm ra bút lục họ đã phê thế nào trong báo cáo những trận đấu có vấn đề, bị dư luận và khán giả phê phán. Không thể để xảy ra chuyện, kiểu như sân Hải Phòng năm ngoái ầm ỹ vụ Trần Công Trọng thổi bậy như thế, mà giám sát vô can khi viết báo cáo trọng tài hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đưa vào quy định kỷ luật mục 6 cũng nhằm mục đích tạo sự công bằng trước hết từ đội ngũ giám sát, trọng tài, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn, xây dựng tính chuyên nghiệp cao hơn.

Ngoài ra, còn nhiều cái mới nữa như các cầu thủ đang thi đấu không vào phòng nghỉ trong giờ nghỉ giải lao giữa 2 hiệp đấu chính thức sẽ bị cảnh cáo và phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. BHL không tham dự họp báo sau trận sẽ bị phạt lần thứ nhất 2 triệu đồng, lần 2 là 4 triệu, lần 3 là 10 triệu và bị cấm chỉ đạo ít nhất 1 trận đấu.

Kỳ vọng vào ban Đạo đức

* Ông có thể giải thích rõ hơn vai trò, chức năng của việc ra đời Hội đồng tư vấn xử lý kỷ luật như trong quy định?

- Thực ra, đây là ban Đạo đức. Ban này vô cùng quan trọng, họ sẽ gồm những nhà chuyên môn có  úy tín, trách nhiệm trong giới bóng đá cũng như xã hội. Trước những sự việc nổi cộm, họ sẽ thẩm định và đưa ra tư vấn cho ban Kỷ luật. Ban Kỷ luật sẽ quyết định cuối cùng mức án dựa trên sự tham mưu của ban Đạo đức.

* Xử lý kỷ luật một trọng tài, một cầu thủ không khó bằng tuyên án một đội bóng, nhất là trường hợp dàn xếp tỷ số, vốn năm nào cũng xảy ra, nhất là mấy vòng cuối. Các ông đã vấp phải vấn đề hóc búa: bằng chứng đâu? Trong khi đó, các ông vẫn có bảo bối trong tay là diễn biến thực tế trên sân, báo cáo giám sát, tổ trọng tài, phản ứng của khán giả, ý kiến dư luận, băng hình…

- Chúng tôi xử án bóng đá phải dựa vào những nguyên tắc cơ bản: đúng người, đúng tội, có tính rằng đe vừa giáo dục cao. Tôi nói thật, bóng đá bên Anh, Italia cũng đầy rẫy biểu hiện bị coi tiêu cực, huống gì bóng đá ta. Chúng ta mới lên chuyên nghiệp, nên phải kiên nhẫn chờ đợi một ngày nào đó bóng đá sạch sẽ lên ngôi. Tôi thấy cũng đỡ lắm rồi đấy, một năm chỉ vài ba trận có mùi nhưng cũng chỉ là cảnh đội A thấy đội B hoạn nạn nên đá nương chân thôi, chứ cũng không mua bán gì đâu. Do đó, để phạt tiền, trừ điểm các đội bóng đá dưới sức mình là cực khó, ai ngồi vào ghế của tôi cũng sẽ khó xử như tôi.

Vì thế, ban Đạo đức vô cùng quan trọng. Tôi mong ban này sớm đi vào hoạt động, lúc đó chắc chắn sẽ tạo nên một cú hích lớn trong việc xử lý kỷ luật bóng đá. Họ không nợ nần CLB nào nên cũng dễ đưa ra nhưng thẩm định khách quan, chân xác và dũng cảm cho ban Kỷ luật xử.

* Ông vừa ban hành liên tiếp mấy án kỷ luật liên quan đến cầu thủ, HLV vi phạm ở Cúp QG. Thú thực, dưới góc độ một khán giả thôi, chúng tôi thấy cũng không hài lòng khi các ông cứ nghe ngóng dư luận, để “ngâm” quá lâu mới đưa ra mức án?

- Lại oan cho ban Kỷ luật tôi rồi. Tôi muốn xử nhanh nhưng hồ sơ vẫn chưa chuyển sang đầy đủ. Do đó, tôi phải đề nghị bổ sung đầy đủ, trong đó giám sát viết báo cáo cụ thể hơn, chi tiết hơn. Tôi thề là chẳng bao giờ xử án kiểu thân sơ, run tay cả. Cán bộ trong ban chúng tôi không bao giờ được phép nhận bất cứ tiền, tài sản, quà biếu hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào của các tổ chức, cá nhân không chỉ trong diện bị xem xét, hoặc có liên quan đến kỷ luật. Do đó, ban chúng tôi không giàu như người ta tưởng đâu.

* Năm ngoái, ông đã tung ra vô số án kỷ luật nguội. Ông quan niệm thế nào về “án nguội”?

- Đấy là án chính xác nhất và có tính răn đe cao bởi đã có độ lùi thời giản để mọi người có góc nhìn chân xác nhất. Những gì diễn ra trên sân rất nhanh, không phải quan chức trận đấu nào cũng  có thể kiểm soát được những sai phạm. Do đó, chúng tôi phải giúp họ, tiếp tục làm rõ và xử phạt những đối tượng sai phạm.

Lạc quan

* Ông linh cảm mùa giải 2012, ban ông sẽ nhiều việc hay đỡ hơn tiền lệ?

- Tôi linh cảm sẽ đỡ hơn nhiều, khi có một cảm hứng làm bóng đá tử tế đã được hâm nóng thời gian qua. Mặt khác, VPF và VFF cũng đã lập thêm một số ban nhằm giúp cho BTC, ban Kỷ luật, ban Trọng tài tốt lên. Nhưng tôi cũng nói thật thế này, bóng đá là bức tranh phản ánh xã hội. Bóng đá chúng ta sẽ phải dối diện với rất nhiều vấn đề nhức nhối nữa, giống như xã hội đang phải giải quyết từng ngày.

* Ban Giải quyết Khiếu nại có nhiệm vụ cũng khá rõ ràng. Quan điểm của ông về ban này, khi đã từng xảy ra chuyện “sút bóng” vào nhau chí tử?

- Ban Kỷ luật đưa ra các mức án đều có tính chất mở, do đó các đối tượng bị xử lý kỷ luật có thể cậy nhờ ban giải quyết khiếu nại. Nhiều người bảo tôi sao không bắt tay “thân mật” với anh Chu Hồng Thanh, nhưng tôi nghĩ không nhất thiết bởi ai cũng có công việc, cá tính khác nhau. Tôi chỉ mong sao 2 ban thực thi đúng luật, không để tình riêng đan xen là ổn.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

NGỌC HÒA(thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm