Ngẫm ngợi cuối tuần: Người ngố và quần ngố

12/05/2024 07:33 GMT+7 | Văn hoá

Ngố là hiện tượng tự nhiên trong đời sống con người. Người ngố là người hay có những hành vi khác thường, ăn nói có lúc như ngây dại chẳng ra đâu vào đâu, khiến người nghe buồn cười mà không chấp vì ngố đâu có gây sự với ai. Ngố chỉ thế thôi.

Một đặc điểm nữa là người ngố nhưng không hề biết mình ngố. Ngố đối nghịch hẳn với khôn ngoan lịch thiệp.

Như vậy ngố là vô tích sự  nhỉ?

Không đâu!

Phàm ở đời đã có cái gì thì cái đó đều có vị trí, có giá trị của nó, nếu được thể hiện đúng lúc, đúng chỗ. Nghĩa là khi nó xuất hiện ở đâu, vào lúc nào thôi.

Chuyện ngố trong nước, xin nói ngay, nếu không có ngố thì làm sao có hề chèo. Hề chèo mở đầu đêm chèo, trước khi vào vở chính… Tưởng là dọn bãi nhưng nó có giá trị đặc biệt cao dẫn dắt người ta nhập dần vào vở diễn vì những câu đối đáp ngố, những trò ngố bất ngờ. Diễn chèo mà thiếu hề chèo khai vị là mất đi nửa giá trị đêm diễn. Ngố trong hề chèo là món cao cấp chứ không phải vật lèo, dọn bãi trong đấu vật.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Người ngố và quần ngố - Ảnh 1.

Những trang phục "ngố". Tranh minh họa: Đỗ Đức

Hề chèo đã khai thác đỉnh cao hành vi và cách ăn nói của ngố để gây cười, để châm chích phê phán mà khó có cái hay hơn thay thế. Ngôn ngữ ngố, hành vi ngố được nâng cao thành nghệ thuật để người xem rồi nhớ mãi. Xem diễn chèo ai mà quên được những đoạn hề mồi, hề gậy, hề cu sứt, hề rượu... Cảnh mẹ Đốp đối đáp với các cụ thượng, ông điếc, ông câm với ông chánh, ông lý của làng trong vở "Quan âm thị Kính" đã  xem một lần thì khó mà quên!

Chuyện thế giới thì chắc ai cũng biết cái quần mang danh "quần ngố". Nó không phải quần đùi, không phải quần dài, không phải quần soóc, ống rộng lửng lơ, túi xập xệ, dây nhợ lằng nhằng. Thật sự kiểu quần ngố không đẹp, nó chỉ phát huy cao sự ngố trong cấu trúc, nhưng để rồi nó làm cho người đứng ngồi đều thấy tiện, vì thật thoải mái, thoáng mát, đúng tinh thần ngố, chẳng phải nghĩ ngợi gì nhiều. Trông cũng không tệ lắm.

Sản phẩm quần ngố nay lan khắp toàn cầu, các nhà kinh doanh thu lợi không biết bao nhiều, dù nó chỉ đắt hàng với tầng lớp trung niên bình dân. Nhưng trong xã hội thì số đông nhất vẫn là tầng lớp bình dân, nên quần ngố thu lợi không biết bao nhiêu mà kể.

Tiến thêm một bước nữa, để lôi cuốn tầng lớp trẻ, các nhà thiết kế đem  quần bò mài rách gối, rách khoeo, chà khoảng đùi như xơ mướp. Váy bò thì không vắt gấu, để cá rô đớp, rồi còn mài thủng thêm vài chỗ để khoe  da thịt nõn nà... Áo không vắt sổ, buông thõng vạt cá rô đớp, như nhà có tang! Kệ! Quần mới mà trông như vừa bới ra từ đống rác. Vậy mà lớp trẻ sướng rên lên, mỗi choai sắm một hai bộ cho bằng bạn bè. Dùng bò rách, đi xe sang, quần cá rô đớp, đất trời có ta!

Loại trang phục này, không riêng nơi thành thị mà nó còn lan xa bắt rễ đến vùng sâu vùng xa, lên đến cả  lớp trẻ vùng cao núi đá. Cùng đua chen, cùng " ăn diện" để thể hiện. Chẳng biết là "thể hiện" cái gì, nhưng có lẽ loại quần mài, váy khoét này đã biến một nhóm trẻ thành đám người ngố thật sự.

Vâng, chỉ có ngố mới biến mình thành thứ giống bù nhìn rơm thế chứ. Phải không?

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm