Hành trình du lịch gắn với 'đánh thức' di sản

02/05/2024 11:01 GMT+7 | Văn hoá

Trong bối cảnh vé máy bay trong nước tăng kéo theo giá tour tăng từ 10-15%, đi du lịch bằng tàu hỏa đang là một xu hướng mới. 

Nhiều người, nhất là giới trẻ đã chọn đi tàu hỏa để du lịch “chữa lành” bằng nhịp điệu chậm rãi, thưởng thức phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp trên từng cung đường. Ngành đường sắt cũng nỗ lực đổi mới, phối hợp với doanh nghiệp du lịch để nâng cao chất lượng, gắn du lịch với "đánh thức" di sản.

Giảm giá tour, tăng trải nghiệm

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho rằng, việc tổ chức các tour tham quan vận chuyển bằng tàu hỏa tới các tỉnh, thành phố miền Trung như: Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam vừa giảm giá thành tour, vừa tăng trải nghiệm. Bởi, trên thực tế, dịch vụ đường sắt đang ngày càng được cải thiện tích cực, có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Tại Lễ hội Du lịch Hà Nội vừa qua, Flamingo Redtours ra mắt sản phẩm du lịch tiết kiệm mang tên “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay”  - lấy cảm hứng từ một câu hát trong ca khúc Tàu anh qua núi của cố nhạc sỹ Phan Lạc Hoa. Dòng sản phẩm mới với hành trình Quảng Bình – Động Phong Nha – Khoáng nóng Bang Onsen (5 ngày) khởi hành các ngày 16/5, 20/6, 18/7 giá trọn gói dưới 5 triệu đồng; Huế - Đà Nẵng – Phố cổ Hội An (5 ngày) khởi hành ngày 15/5; 19/6; 17/7 giá chưa đầy 5,2 triệu đồng. Khi tham gia tour, du khách không chỉ tham quan các địa danh nổi tiếng, còn được trải nghiệm trên tuyến tàu hỏa thế hệ mới với giường nằm, điều hòa hiện đại; thỏa thích thưởng ngoạn cảnh quan tuyệt đẹp dọc dải đất miền Trung.

Hành trình du lịch gắn với 'đánh thức' di sản - Ảnh 1.

Phố cổ Hội An. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Trước đó, cuối tháng 3/2024, hãng lữ hành Vietravel cùng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp khai trương đoàn tàu chuyên tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại mang tên “Kết nối di sản miền trung”. Đây là hoạt động thuộc đề án phát triển bộ sản phẩm du lịch tàu hỏa 5 sao xuyên Việt Vietravel và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai cuối năm 2023.

Trong 3 giờ đồng hồ, du khách có thể ngắm trọn khung cảnh thiên nhiên, di sản văn hóa hiện rõ bên ngoài ô cửa kính tàu hỏa, thưởng thức ẩm thực đặc sắc của miền Trung. Tàu còn dừng lại tại ga Lăng Cô khoảng 10 phút để du khách chiêm ngưỡng vịnh Lăng Cô - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Đây cũng là cung đường sắt từng được một số báo quốc tế đưa vào top những tuyến đường sắt đáng trải nghiệm nhất thế giới.

Thời gian đầu hoạt động, tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” gồm 5 toa xe ghế mềm, có điều hòa và 1 toa xe sinh hoạt cộng đồng phục vụ văn hóa và ẩm thực đặc sắc theo từng vùng miền. Bên cạnh đó, các toa tàu được trang trí nhiều tác phẩm nghệ thuật, mang đến cho du khách góc nhìn sâu sắc hơn về di sản Việt Nam, là điểm check-in di ấn tượng với nhiều du khách.

Hành trình du lịch gắn với 'đánh thức' di sản - Ảnh 2.

Vẻ đẹp hoang sơ của vịnh Lăng Cô. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vietravel chia sẻ, đề án tàu hỏa 5 sao xuyên Việt cung cấp cho du khách trải nghiệm du lịch đặc biệt, dịch vụ chuẩn quốc tế. Năm 2024, sản phẩm này được Vietravel đẩy mạnh và liên tục làm mới các trải nghiệm, thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Không chỉ du lịch bằng tàu hỏa 5 sao, du khách sẽ tham gia nhiều hoạt động đặc sắc ở từng địa phương, tìm hiểu những giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời của người Việt. Đây hứa hẹn sẽ là một sản phẩm du lịch đột phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch tàu hỏa tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát triển bền vững…

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết đang phối hợp để với các đối tác lớn để đưa các khu ga thành những bảo tàng sống, trung tâm di sản, văn hóa, ẩm thực. Đoàn tàu 5 sao xuyên Việt đang hợp tác thực hiện giống như một khách sạn hạng sang di động là ý tưởng biến những nhược điểm thành ưu điểm khi du lịch tàu hỏa đang có xu hướng bùng nổ trong năm 2024. Đây là một phân khúc tốt để khai thác vì nhiều người có điều kiện muốn trải nghiệm dịch vụ độc lạ như đám cưới trên toa tàu đường sắt, thuê đoàn tàu riêng cho nhóm bạn bè gia đình đi vui chơi...

Phù hợp với xu hướng phát triển bền vững

Theo khảo sát của nhiều đơn vị lữ hành, giá máy bay tăng cao khiến nhiều du khách “cân đo đong đếm” nhiều hơn giữa du lịch trong nước – nước ngoài hoặc điều chỉnh phương thức di chuyển đi ô tô hoặc tàu hỏa. Với những người muốn trải nghiệm “sống chậm” có xu hướng chọn đi du lịch tàu hỏa bởi thủ tục đơn giản, tiết kiệm hơn so với máy bay, dễ dàng ngắm cảm, nhiều trải nghiệm mới mẻ…

Để thích ứng với giá vé máy bay nội địa tăng cao, dịp lễ 30/4-1/5, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã đa dạng hóa loại hình tour theo hướng tăng tour đi xe ô tô chất lượng cao ở những chặng ngắn; kết hợp các phương tiện tàu hỏa, ô-tô, đường thủy ở những chặng xa, vừa giảm giá thành tour và tăng trải nghiệm cho khách.

Hành trình du lịch gắn với 'đánh thức' di sản - Ảnh 3.

Du khách thoải mái vui chơi bên hồ Xuân Hương, Đà Lạt. Ảnh: TTXVN

Phục vụ người dân dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm dịp hè 2024, ngành đường sắt tăng cường nhiều tàu phục vụ, áp dụng chính sách ưu đãi, giảm giá. Cụ thể, ngành tăng tăng thêm các chuyến tàu từ Hà Nội đi Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại; từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn.

Không chỉ là vận tải đơn thuần, ngành đường sắt đã nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng, gắn du lịch với "đánh thức di sản". Thời gian qua, các chuyến tàu du lịch đã thu hút được du khách như Hà Nội - Hải Phòng để trải nghiệm ẩm thực - food tour; đoàn tàu kết nối di sản miền Trung Huế và Đà Nẵng…

Cuối năm 2023, lần đầu tiên có dịch vụ tổ chức lễ cưới trên tàu trên chuyến từ Đà Lạt đến Trại Mát. Ngành đường sắt có phong trào "Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến" góp phần trồng gần 70 km cây cảnh và hoa, cải thiện đáng kể môi trường ở ga và khu vực xung quanh đường sắt. Đặc biệt, quán cà phê Hỏa Xa tại ga Long Biên là điểm đến hấp dẫn được đưa vào bản đồ du lịch Hà Nội…

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), du lịch bằng tàu hỏa  đang có những bước phát triển tích cực. Năm 2023, lượng khách du lịch nội địa đi tàu hỏa đạt 10 triệu lượt, tăng 15%; khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2022. Sự tăng trưởng của ngành đường sắt cho thấy sự phục hồi và phát triển vượt bậc của du lịch tàu hỏa Việt Nam sau COVID-19, đồng thời phản ánh xu hướng tăng lên của nhu cầu sử dụng phương tiện này trong du lịch.

Tuyến đường sắt Bắc Nam dài khoảng 1.730 km, chạy qua nhiều tỉnh, thành phố cùng nhiều địa danh nổi tiếng, lý tưởng để du khách gia tăng trải nghiệm trong chuyến đi. Tuyến đường sắt này đã được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet bình chọn đứng đầu danh sách 8 hành trình du lịch tàu hỏa đáng trải nghiệm nhất thế giới (năm 2018); được Hãng tin Sputnik (Nga) bầu chọn là một trong 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới (năm 2019). Năm 2022, tạp chí The Travel của Canada đã liệt kê 10 hành trình tàu hỏa đêm ấn tượng nhất thế giới, trong đó có tàu Bắc – Nam của nước ta…

Năm 2023, đường sắt Việt Nam được giới thiệu trong cuốn Amazing Train Journeys của Lonely Planet - ấn phẩm tập hợp những chuyến đi bằng đường sắt vĩ đại nhất thế giới. Trong đó, tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh được bình chọn là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới. Trên tàu từ Bắc vào Nam, hành khách sẽ được “thưởng thức” từ phố thị ồn ào, sôi động cho đến nhiều vùng quê yên bình, xanh mướt, những ngọn núi cao vút cho đến vùng biển xanh mát nối tiếp nhau hiện lên qua khung cửa nhỏ trong suốt hành trình...

Các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, du lịch bằng tàu hỏa là một lựa chọn thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững trên toàn cầu hiện nay.

Thanh Giang/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm