'Bài toán' cho bóng đá trẻ chưa thể giải

03/05/2024 06:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

Sau U23 châu Á, HLV Hoàng Anh Tuấn có cho biết theo quan sát của riêng ông thì nhiều cầu thủ gần như cả tháng không thi đấu phút nào ở V-League. Việc không được thi đấu, hoặc thời gian chơi bóng đỉnh cao quá ít, chắc chắn là tác động không nhỏ đến chất lượng của đội U23. Nhưng để cải thiện điều đó, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi.

1. Bầu Đức mở học viện HAGL Arsenal JMG vào năm 2006. Mười năm sau ông đưa các cầu thủ khóa 1 lên đá V-League. Tính đến bây giờ cũng gần tròn 20 năm, liệu chúng ta đã có một nghiên cứu cụ thể nào về kết quả của quá trình một CLB chuyên nghiệp làm bóng đá trẻ?

Hay ở một góc độ khác, là khả năng khai thác của HAGL đối với cơ sở đào tạo của họ ra sao? Thực tế thì hiện nay HAGL đã phải chia sẻ quyền điều hành CLB và cả học viện với một đối tác khác, cũng chưa biết rõ kết quả sau cùng sẽ như thế nào.

Nhìn từ bên ngoài, thì cỏ vẻ như HAGL chỉ có được thành quả từ lứa đầu tiên của học viện, nhiều người hiện vẫn đang ở đỉnh cao dù đã chuyển sang CLB khác thi đấu. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Nếu khóa học viên đầu tiên nay đã 29-30 tuổi và có được chỗ đứng của mình, vậy thì các lứa cầu thủ tiếp theo đang ở đâu. Tạm xem quy trình đào tạo như nhau, vậy thì chất lượng cầu thủ không tốt như ban đầu thì nguyên nhân là gì?

Câu chuyện của HAGL chính là thách thức lớn nhất đối với công tác đào tạo bóng đá trẻ mà bóng đá Việt Nam đang phải đối mặt. Về lý thuyết, chúng ta vẫn đang có những cầu thủ mới mỗi năm và cung cấp cho các đội bóng chuyên nghiệp. Nhưng có là một chuyện, còn chất lượng lại là chuyện khác. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào nơi đào tạo.

'Bài toán' cho bóng đá trẻ chưa thể giải - Ảnh 2.

Văn Tùng là chân sút chủ lực của U23 Việt Nam nhưng khi trở về CLB Hà Nội thì chỉ có rất ít cơ hội ra sân thi đấu. Ảnh: NĐ

Chúng ta không kỳ vọng vào việc sẽ tạo ra được các ngôi sao đẳng cấp châu Á hay thế giới, nhưng chí ít cũng phải bảo đảm cầu thủ của thế hệ sau phải tốt hơn thế hệ trước thì mới tính đến chuyện vươn tầm. Về mặt kỹ thuật, thì điều này có thể làm được nếu có nhiều trung tâm đào tạo chất lượng cao hoặc ở tiêu chuẩn quốc tế. Thế nhưng, như đã thấy, sau HAGL rồi PVF, liệu còn ở đâu?

2. Hồi CLB Sài Gòn FC còn tồn tại, những nhà quản lý của đội bóng này có một hướng làm bóng đá tương đối mới mẻ. Họ quyết định sẽ "J-League hóa" đội bóng của mình thông qua các hoạt động liên kết với những đội bóng hạng thấp ở Nhật Bản, qua đó cầu thủ sẽ được gửi sang Nhật Bản trải nghiệm thi đấu. Cũng đã có một vài cầu thủ của Sài Gòn FC sang Nhật chơi bóng theo dạng cho mượn, chỉ tiếc là Sài Gòn FC hiện không còn.

Nhưng đó là một gợi ý đáng suy nghĩ. Cầu thủ trẻ được đào tạo có tốt đi nữa mà không thể ra sân ở V-League thì cơ hội phát triển tài năng cũng sẽ mất đi. Đội U23 của HLV Hoàng Anh Tuấn vào được đến tứ kết giải châu lục nhưng thời gian mà họ được ra sân tại V-League lại quá ít, vì thế mà kinh nghiệm thi đấu tại không nhiều. Nghĩa là chúng ta cứ hô hào đào tạo trẻ, chăm lo cho phần gốc là bóng đá trẻ, nhưng lại chẳng có giải pháp cụ thể nào để họ được rèn luyện.

Không phải tự nhiên mà FIFA ưu tiên tài trợ cho các LĐBĐ như Việt Nam hay Indonesia các trung tâm huấn luyện bóng đá trẻ. Trong đề án "Forward" của FIFA dành cho các quốc gia có tham vọng, thì việc nâng cao chất lượng trải nghiệm của cầu thủ trẻ thông qua điều kiện cơ sở vật chất là rất quan trọng.

Sau thành công của bóng đá Indonesia, trên website của FIFA có một bài viết "khoe" về trung tâm đào tạo trị giá 5 triệu USD được FIFA tài trợ xây dựng tại Jakarta. Nói cách khác, có nhiều cậu bé yêu bóng đá, thích chơi bóng là một chuyện, nhưng đào tạo họ ở tiêu chuẩn nào thì mới ra được những tài năng khác biệt, lại là chuyện khác.

3. Dự kiến VFF sẽ hoàn thành sớm việc ký hợp đồng với HLV mới cho đội tuyển, và có thể là một nhà cầm quân người Hàn Quốc có chất lượng. Đó là tin vui và cũng cho thấy VFF rất quyết tâm trong việc nâng tầm nền bóng đá.

Nhưng công bằng mà nói, vấn đề của bóng đá Việt Nam không nằm ở đội tuyển quốc gia mà là ở nguồn cung cầu thủ. Lấy ví dụ từ việc CAHN vừa thăng hạng đã vô địch V-League mùa trước, hay Nam Định đang là ứng cử viên lớn nhất của mùa giải này, thì sẽ thấy lại cả 2 đội bóng đều trở nên mạnh hơn nhờ việc tập hợp một loạt cầu thủ đã thành danh của nơi khác đến, trong đó có phần nhiều là tuyển thủ quốc gia dưới thời HLV Park Hang Seo.

Điều này có nghĩa là CLB đang "mượn" sức mạnh từ đội tuyển để thay đổi nội lực của mình, trong khi về lý thuyết phải là ngược lại. Vậy phải chăng, nếu như sau khi Nam Định vô địch, đến lượt đội bóng nào đó cũng thâu tóm các tuyển thủ và rồi sẽ lên ngôi vô địch như họ? Sự mới mẻ về nhân sự cho đội tuyển sẽ đến từ đâu?

V-League chính là bộ mặt của nền bóng đá. Thời kỳ thống trị của Hà Nội FC đi cùng với việc cứ mỗi mùa gần như họ sẽ giới thiệu được 1-2 gương mặt trẻ mới cho đội 1. Đó là điều khác biệt của Hà Nội FC, mà có lẽ chỉ mỗi Thể Công – Viettel là có thể làm được.

Nhưng khi nguồn cầu thủ trẻ không còn dồi dào, thì sức mạnh của Hà Nội FC cũng giảm dần và thế là V-League gần như quay về với giai đoạn 10 năm đầu tiên (2002-2012) khi cuộc cạnh tranh vô địch lại phụ thuộc nhiều vào khả năng chi tiền mua cầu thủ của các ông chủ. Đó là một bước lùi của quá trình phát triển bóng đá trẻ cho dù cũng chẳng thể trách được các CLB.

Đã đến lúc bóng đá Việt Nam nên có những chiến lược cụ thể hơn cho phần gốc rễ của mình, bởi trên thực tế, chúng ta đã từng có những đội bóng như HAGL nhìn thấy và sẳn sàng đầu tư cho công tác đào tạo cầu thủ ở đẳng cấp cao. Bầu Đức có thể không còn quan tâm nhiều đến bóng đá, công cuộc của ông đã không thể có cái kết mỹ mãn với một chức vô địch từ chính những cầu thủ trẻ mà mình đào tạo, nhưng ít nhất ông cũng chứng minh điều đó hoàn toàn có thể làm được.

HLV Hoàng Anh Tuấn muốn cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn

Nhìn lại hành trình của đội tuyển U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2024, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn đánh giá: "Tôi nghĩ việc U23 Việt Nam dừng bước ở tứ kết là vừa với khả năng, thực lực. Ở một số trận đấu cụ thể, tôi có tiếc nuối. Mỗi trận đấu từ việc gặp Kuwait, Malaysia, Uzbekistan hay Iraq đều đem đến một sắc thái riêng, tạo nên cảm xúc khác nhau cho người hâm mộ.

Ở những trận đầu tiên, lối chơi của U23 Việt Nam chưa hoàn chỉnh, mắc nhiều sai số, lỗi kỹ thuật. Chúng ta gặp những thẻ phạt không đáng có. Ngoài ra, tôi khá tiếc về một số quyết định của trọng tài dẫn đến kết cục trận đấu chuyển hướng không như mong đợi.

Dẫu sao, tôi tin rằng các cầu thủ đã tiến bộ rất nhiều. Từ trước trận tứ kết với U23 Iraq, tôi đã nói rằng đội bóng sẽ thể hiện bộ mặt khác. Và quả thực, điều đó đã xảy ra. Thái độ chơi, tinh thần thi đấu, lối đá, đấu pháp đều được thể hiện tốt. Tôi thấy các cầu thủ chơi cởi mở, đẹp mắt và quyết tâm, tạo nên được tính tập thể cao và đoàn kết".

HLV Hoàng Anh Tuấn cũng hy vọng sau giải đấu lần này, các cầu thủ khi trở về CLB sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để có cơ hội được thường xuyên ra sân thi đấu tại các giải chuyên nghiệp quốc gia.

"Nhiều người mặc định rằng một cầu thủ đã chơi ở SEA Games, giải châu Á thì họ sẽ tiếp tục có phong độ cao ở U23 châu Á. Nhưng đó chỉ là 1 mặt của vấn đề. Cầu thủ đó mới chỉ đá vài trận ở giải quốc tế, trong màu áo các ĐTQG.

Còn câu chuyện ở CLB, việc họ được ra sân hay không thì chúng ta lại chưa nhắc đến. Cầu thủ U23 Việt Nam về CLB có được đá nhiều không? Một lần nữa, đó là câu chuyện trăn trở của tôi. Quả thực, không dễ để CLB tạo điều kiện cho mọi cầu thủ trẻ.

Vậy nên tôi có nói với các học trò của mình là bản thân họ phải đúc rút ra mình đã làm được cái gì, hoàn cảnh của mình ra sao để hoàn thiện bản thân, cố gắng cạnh tranh được suất thi đấu thường xuyên ở CLB. Có như vậy, BHL các đội mới tin dùng, trao điều kiện để thi đấu", HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm